“Khi có dịch bệnh thì bất kể là ngày hay đêm, trời mưa hay giá rét, ngày nghỉ lễ hay ngày làm việc vẫn phải có mặt kịp thời; nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm cao do tiếp xúc với bệnh nhân và môi trường mang mầm bệnh...” - Đó là tâm sự về nghề trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh của bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Cán bộ Trung tâm Phòng chống sốt rét và ký sinh trùng, côn trùng tỉnh phun hóa chất phòng chống muỗi..
Còn nhớ sau 7 ngày xảy ra trận lũ lịch sử ngày 2/8/2017 tại huyện Mường La, chúng tôi có mặt ở Trung tâm Y tế huyện, khi đó mấy dãy nhà của Trung tâm đều vắng lặng. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Những ngày này, đội ngũ cán bộ viên chức của Trung tâm đều có mặt ở khu vực mưa lũ để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Đó là tổ chức phun khử trùng toàn bộ các địa bàn bị ngập lụt; hướng dẫn nhân dân phòng, chống các loại bệnh dịch truyền nhiễm có thể xảy ra sau bão lũ, như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da... Phân công cán bộ y tế “cắm chốt” tại các bản để sơ cứu, cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh cho nhân dân. Triển khai phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực của tất cả các địa bàn bị ngập lụt. Cùng với đó, hướng dẫn nhân dân xử lý xác gia súc, gia cầm, dọn vệ sinh nhà ở, thực hiện tốt vệ sinh môi trường. Không để dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ...
Trở lại câu chuyện phòng chống dịch bệnh với bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, chúng tôi hiểu thêm phần nào công việc của những người thầy thuốc “gác” sức khỏe cho nhân dân. Họ thường xuyên đi công tác, đối mặt trực tiếp với các loại dịch bệnh nguy hiểm, có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Trong khi đó, các điều kiện làm việc còn thiếu thốn, phụ cấp đặc thù ngành thấp. Cũng theo bác sỹ Dũng, mấy năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, với nhiều loại dịch bệnh: Viêm não vi rút, sốt xuất huyết, bệnh dại, uốn ván sơ sinh, viêm gan vi rút, lỵ trực khuẩn, tay chân miệng, quai bị... Đơn cử như trong 11 tháng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ dịch bệnh, với trên 670 ca mắc (8 ca tử vong). Trong đó, đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trên 30 người không có tiền sử đi khỏi địa phương trong vòng 14 ngày trước khi phát bệnh)...
Để ứng phó với các loại dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh luôn quan tâm đầu tư về con người và trang thiết bị y tế. Hằng năm, ngành chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh được đầu tư, cơ bản đáp ứng việc phòng chống, dự báo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm phát sinh. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh được bố trí từ tuyến tỉnh đến cơ sở, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn do ngành Y tế tổ chức hoặc theo học các khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II chuyên ngành y tế dự phòng. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã khống chế, đẩy lùi dịch sốt rét; giữ vững kết quả loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế quốc tế; giảm tỷ suất mắc bệnh lao xuống còn 18,2%/100.000 người dân; trên 90% số trẻ trong độ tuổi được tiêm đủ các loại vắc xin phòng bệnh... Đặc biệt, các loại dịch bệnh phát sinh đều được xử lý, khống chế kịp thời, không để kéo dài hoặc lây lan diện rộng.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đó là mục tiêu của những người khoác áo blouse trắng trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, bởi như vậy sẽ giảm thiểu số người mắc bệnh, bị bệnh nặng, giảm gánh nặng cho các bệnh viện, cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội ở địa phương. Để đạt được điều đó, công việc của thầy thuốc trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh ở cơ sở xoay vần quanh năm. Bác sỹ Mùi Huy Dưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn kể: Đầu tháng 8 năm 2017, trên địa bàn thị trấn Hát Lót xuất hiện lẻ tẻ các trường hợp sốt xuất huyết (những người ở Hà Nội về), sau đó xuất hiện các bệnh nhân sinh sống tại địa phương (không có yếu tố di chuyển). Đơn vị đã tham mưu cho huyện tổ chức lễ phát động trong toàn huyện tiến hành diệt lăng quăng, bọ gậy; dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang các bụi rậm xung quanh nhà ở, khu vực dân cư. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất ở 9 tiểu khu, khu vực Bệnh viện Đa khoa huyện và một số trường học trên địa bàn. Trung tâm đã huy động toàn bộ lực lượng cùng cán bộ trạm y tế 22 xã, thị trấn theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, hằng ngày báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan diện rộng.
Năm hết tết đến, cũng như mọi người, những người thầy thuốc trên trận tuyến phòng chống dịch bệnh cùng nhìn lại công việc đã làm trong năm qua, để nỗ lực nhiều hơn nữa trên con đường đã chọn. Mặc dù biết rằng con đường đó còn nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng họ vẫn vững bước, bởi họ luôn mong muốn được góp sức bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân và sự sum họp đầm ấm của mỗi gia đình trong thời khắc xuân sang.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!