Xuân sớm trên bản tái định cư

Ngày xuân ở bản tái định cư Bình Yên, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) luôn rực rỡ bởi những đóa hoa trạng nguyên sắc đỏ lung linh trong nắng xuân. Một khung cảnh đầy thơ mộng với những ngôi nhà sàn kiên cố nằm nép mình bên sườn đồi, thấp thoáng trên lòng hồ sông Đà là lồng cá, vó bè, dập dềnh trên sóng nước, tạo cho Bình Yên thêm trù phú, no ấm.

 

Một góc bản tái định cư Bình Yên.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh bản, đồng chí Là Văn Vinh, Bí thư Chi bộ bản Bình Yên hồ hởi khoe những đổi thay về đời sống của bà con nơi đây: Năm 2014, bản Cướn, xã Chiềng Bằng bị ảnh hưởng của cơn bão số 2, nhiều nhà cửa, đồ đạc, tài sản, cũng như đàn gia súc gia cầm của các hộ dân bị bùn vùi lấp gây thiệt hại nặng nề. Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, từ nguồn vốn hỗ trợ dự án tái định cư, huyện Quỳnh Nhai đã khảo sát, đầu tư xây dựng và di chuyển nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm của thiên tai. Cũng vì thế bản lấy tên là Bình Yên, với mong muốn sang nơi ở mới, người dân không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi mùa mưa bão về, được ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Đến bản mới, được đầu tư xây dựng công trình đường giao thông liên bản và nội bản, hệ thống điện, nước sinh hoạt và các công trình phụ trợ khác, bà con phấn khởi lắm. Từ hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của người dân, sau hơn 3 năm sinh sống ở bản tái định cư, cuộc sống của nhân dân nơi đây đã cơ bản ổn định, từ 36 hộ, 185 nhân khẩu chuyển đến, bây giờ bản đã có 37 hộ với 187 nhân khẩu. Bản đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng phục vụ cho việc sinh hoạt tập thể của bà con nhân dân; có điểm trường tiểu học, mầm non phục vụ con em đi học; 100% số hộ được ngói hóa, có phương tiện nghe nhìn hiện đại, được sử dụng điện; nhà nhà mua sắm tivi, xe máy; bà con tích cực tham gia phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở bản...

Xác định phát triển kinh tế là điều kiện quan trọng trong xây dựng đời sống mới, bản đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, để bà con thay đổi tư duy sản xuất, tập trung trồng trọt và chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật mới, cuối năm 2015, bản được Trạm Khuyến nông huyện đầu tư triển khai mô hình chăn nuôi bò gắn với trồng cây mắc ca, 5 hộ dân trong bản được tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò nhốt chuồng và cây mắc ca, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò và 50 cây mắc ca, đến nay tổng số bò đã sinh sản thêm 5 con, tỷ lệ sống của cây mắc ca trên 70%. Ngoài ra, bà con còn trồng gần 28,7 ha sắn, 1 ha ngô; chăn nuôi 215 con bò, 197 con lợn, 20 con dê và hơn 2 nghìn con gia cầm, 42 lồng cá, 45 chiếc vó bè, bảo vệ chăm sóc 90 ha rừng.

Đến thăm gia đình anh Là Văn Cứn, một trong những hộ phát triển kinh tế khá của bản. Trong ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang theo kiểu truyền thống của dân tộc Thái, anh Cứn cho biết: Cũng như các hộ dân đến tái định cư bản mới, trước khi chuyển về, gia đình tôi rất lo, bởi không biết sẽ làm ăn sinh sống ra sao ở nơi mới, nhưng đến giờ, gia đình tôi đã yên tâm và tích cực lao động sản xuất. Sau khi chuyển đến đây, dựng nhà cửa ổn định, với diện tích đất sản xuất được giao, gia đình đã trồng sắn, rau và chăn nuôi bò, lợn, gà, nuôi cá lồng, được cán bộ khuyến nông lên tận bản hướng dẫn cách chăn nuôi. Nhờ vậy, đàn vật nuôi của gia đình phát triển nhanh, không mắc dịch bệnh. Tuy chưa được nhiều, nhưng mỗi năm từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình cũng đã thu trên 60 triệu đồng. Đây là thành quả ban đầu, động viên gia đình tôi cũng như bà con trong bản cùng quyết tâm tạo dựng cuộc sống trên quê hương mới.

Đồng chí Là Văn Vinh, Bí thư Chi bộ chia sẻ thêm: Vui nhất là, từ khi bản di chuyển đến nơi ở mới, bản còn nhận được sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) đến thăm 3 lần và hỗ trợ cho bà con 32 con bò, thiết bị tăng âm loa đài, ti vi khánh tiết cho nhà văn hóa bản và 1 nghìn cây trám đen, cây bơ. Đến nay, tổng số bò, cây ăn quả đang được bà con chăm sóc, bảo vệ cẩn thận. Thời gian tới, để phát triển kinh tế, bản sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi chuyển diện tích đất đồi thu nhập thấp sang trồng các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, bưởi cho năng suất, chất lượng cao; định hướng cho bà con chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng sản xuất hàng hóa. Phấn đấu hết năm 2018, toàn bản không còn hộ nghèo. Tết Mậu Tuất năm nay, bản sẽ tổ chức đón tết theo phong tục truyền thống của người Thái với các trò chơi ném còn, tó má lẹ, múa xòe; bà con mổ lợn, mổ gà, nấu các món ăn truyền thống để mời nhau đến nhà uống rượu và trao đổi kinh nghiệm cũng như kết quả sản xuất của năm qua.

Một mùa xuân mới đã về với bà con trên bản tái định cư Bình Yên. Dẫu biết rằng chưa hết những khó khăn, nhưng với sự thay đổi trong nhận thức của người dân trong chuyển đổi phát triển kinh tế, cuộc sống của nhân dân nơi đây sẽ ấm no, hạnh phúc và bình yên đúng như tên gọi của bản.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới