Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) đã tập trung các nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ để ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, xã đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Người dân xã Chiềng Khay chăm sóc cây chanh leo.
Ông Hà Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chiềng Khay là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện, địa bàn rộng, chia cắt, dân cư phân bố không tập trung, trình độ dân trí thấp, nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã mới đạt 7/19 tiêu chí gồm: Quy hoạch, chợ nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu lao động, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh trật tự xã hội. Xã đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện 12 tiêu chí còn lại, nhất là các tiêu chí về: giao thông, môi trường, thu nhập và hộ nghèo. Điển hình là tiêu chí giao thông, khi đường từ trung tâm xã đến bản vùng cao như: Co Que, Nặm Tấu và Khâu Pùm chưa được cứng hóa. Bởi tại các bản này có địa hình phức tạp, phần lớn là đồi núi có độ dốc cao, đường đất do dân tự mở, mùa mưa đường thường xuyên bị sạt lở. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã, hầu hết đường nội bản và đường trục chính nội đồng vẫn là tuyến đường đất (toàn xã mới cứng hóa được 5km đường nội bản). Xã cũng đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí để xây dựng, nhưng đời sống nhân dân còn khó khăn, nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước chưa được phân bổ kinh phí, nên việc hoàn thành tiêu chí giao thông còn gặp nhiều trở ngại...
Đối với tiêu chí môi trường, xã chưa quy hoạch, xây dựng được bãi rác thải tập trung, chất thải rắn, nước thải chưa được thu gom và xử lý theo quy định, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh mới đạt 62%, số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt chỉ đạt trên 20%; trên 47% số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh môi trường, nguyên nhân là do tập quán sinh hoạt lạc hậu, người dân chưa có ý thức đưa chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn, cách xa nhà ở, chưa có thói quen làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là “bài toán” khó đối với xã. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn còn trên 44,3%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8 triệu đồng/người/năm. Để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã cũng đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đề xuất với huyện cử cán bộ khuyến nông đến xã mở các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho bà con; tuyên truyền vận động người dân giảm dần diện tích cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc chuyển sang trồng cây ăn quả và cây trồng khác; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi tập trung, nuôi nhốt. Thực tế cho thấy, sản xuất của các hộ dân vẫn manh mún, nhỏ lẻ, đã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, nhưng quy mô liên kết còn nhiều hạn chế, số HTX tham gia liên kết còn ít... Ngoài ra, các tiêu chí khác như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện 5 bản của xã chưa có nhà văn hóa; các trường học vẫn thiếu lớp học, trang thiết bị, nhà đa năng, phòng chức năng; số nhà tạm, nhà dột nát toàn xã chiếm 30,7%; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định mới chỉ đạt 59%...
Để thực hiện các tiêu chí còn lại theo đúng lộ trình đề ra, ông Hà Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Các tiêu chí chưa đạt đều là tiêu chí khó và đòi hỏi cần nhiều nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trong khi đời sống nhân dân còn gặp khó khăn. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2018, Chiềng Khay phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí là văn hóa, bưu điện, y tế và điện. Trước hết, xã sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình 135, Nghị quyết 30a, hỗ trợ hộ nghèo, bản đặc biệt khó khăn để ưu tiên đầu tư thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2018 và các công trình dễ làm, ít tốn kém, có thể huy động được sức dân và nguồn lực xã hội khác. Đồng thời, tập trung đổi mới, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên cơ sở quy hoạch điểm dân cư tập trung dọc đường trục chính liên xã chạy qua địa bàn; vận động nhân dân nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng có quy mô, phát huy hiệu quả các mô hình trồng cây ăn quả có liên kết đầu ra sản phẩm... để bà con từng bước nâng cao thu nhập, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!