Trở lại Mường Chiên bây giờ, chắc chắn mọi người đều cảm nhận rõ những đổi thay, khởi sắc mạnh mẽ của vùng đất từng là trung tâm của huyện Quỳnh Nhai. Con đường dẫn vào xã dài chừng 20 km và các tuyến đường nội bản giờ đã được rải nhựa hoặc đổ bê-tông; những thửa ruộng bậc thang xanh mướt mát của lúa đang trong thời kỳ trổ bông; trường lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố...
Các tuyến đường giao thông nội bản của xã Mường Chiên đã được đổ bê-tông.
Từng là trung tâm của huyện lỵ Quỳnh Nhai, thực hiện công cuộc di dân TĐC thủy điện Sơn La, hầu hết diện tích đất của xã nằm trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện. Ban đầu Mường Chiên còn 6 bản, nhưng giờ sáp nhập lại, Mường Chiên chỉ còn 3 bản, 422 hộ dân với trên 1.700 nhân khẩu. Để ổn định đời sống của người dân, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; khai thác lợi thế diện tích mặt nước nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, làm dịch vụ du lịch. Vượt lên bao khó khăn, trở ngại, Mường Chiên khoanh nuôi bảo vệ hơn 4.000 ha rừng; phối hợp với Công ty Liên Việt Sơn La triển khai dự án trồng hơn 160 ha cây mắc ca; duy trì đàn trâu bò hơn 1.000 con, trên 11 nghìn con gia cầm...
Trao đổi với chúng tôi về quá trình tìm hướng và phát triển kinh tế, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Được tư vấn, hướng dẫn, định hướng, nhiều hộ trong xã đã sử dụng tốt nguồn tiền được đền bù, bồi thường di dân tái định cư thủy điện Sơn La, đầu tư đóng thuyền làm dịch vụ chở khách, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản... Nhờ đó, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm xuống còn khoảng 10%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, xã được Nhà nước hỗ trợ, cùng với huy động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hơn 16 tỷ đồng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất trị giá hơn 3 tỷ đồng... đã là những tác nhân giúp Mường Chiên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
Chia sẻ niềm vui với kết quả tốt từ chuyển hướng làm kinh tế bằng nuôi bò nhốt chuồng, anh Điêu Chính Hưng, nông dân bản Hé bảo, ngày trước anh đã đầu tư vốn liếng để chăn nuôi dê, nhưng do thiếu nơi chăn thả nên đàn dê phát triển rất chậm. Năm 2016, anh dùng toàn bộ số tiền đền bù di dân TĐC, vay thêm 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua 5 con bò giống, khai hoang, mở đất trồng 2.000 m2 cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò. Chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm và thực hiện đầy đủ kỹ thuật chăn nuôi do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, bây giờ đàn bò của gia đình đã có 10 con bò; trồng 1,2 ha nhãn giống nhãn Miền Thiết và vải thiều; thâm canh 6.000 m2 ruộng bán ngập..., tổng thu từ các nguồn được gần 200 triệu đồng/năm.
Về Mường Chiên hôm nay, ngoài bước phát triển về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nơi đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn. Chỉ cần hơn một giờ đồng hồ trên chiếc thuyền du lịch từ cây cầu Pá Uôn ngược lên trung tâm huyện cũ, chúng ta đến thăm cột mốc đánh dấu tích của trung tâm huyện lỵ cũ giờ ngập trong hồ nước mênh mông. Và từ đây, thuyền cập bến vào bản Bon để trải nghiệm một mô hình du lịch cộng đồng mới được hình thành khá hấp dẫn. Bản Bon có 48 hộ dân đều đầu tư làm nhà nghỉ du lịch cộng đồng. Để tạo mối liên kết kinh doanh lĩnh vực du lịch, năm 2018, HTX Du lịch bản Bon đã thành lập với 7 thành viên. HTX kết hợp HTX Du lịch Quỳnh Nhai, Quỳnh Nhai Travel... cùng bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện đã xây dựng 4 phòng tắm cá nhân, 1 khu bể tắm tập thể; dựng các cọn nước, làm cầu tre bắc dọc con suối Nặm Chiên để du khách tham quan... 8 tháng qua, HTX đã đón 40 đoàn khách du lịch đến từ Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội...
Mặc dù cũng mới chỉ là những thành công bước đầu, song Mường Chiên đang tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ, cùng sự nỗ lực cần cù, sáng tạo, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới ổn định và bền vững, phát triển toàn diện các lĩnh vực, quyết tâm bứt phá vươn lên trở thành địa phương mạnh về mọi mặt của huyện Quỳnh Nhai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!