Từ bến thuyền bản Canh, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng sông Đà đưa chúng tôi về xã Mường Sại. Mùa này, lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước, rộng mênh mông, trong xanh vời vợi; xa xa những chiếc thuyền nhỏ lướt sóng thả lưới, giăng câu, hai bên bờ, bản làng ẩn hiện trong cánh rừng xanh thẫm, thật yên bình, thơ mộng.
Bến thuyền xã Mường Sại (Quỳnh Nhai).
Đón chúng tôi, đồng chí Quàng Văn Quyết, Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã thông tin: Mường Sại là xã thuần nông, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, hàng trăm ha đất ruộng, nương rẫy của người dân Mường Sại nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện, dẫn đến người dân thiếu đất sản xuất. Trước khó khăn đó, Đảng bộ xã lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn người dân tận dụng hơn 330 ha mặt nước lòng hồ thủy điện, tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của chương trình 30a, vận động các hộ dân dọc sông chuyển đổi sang đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, vận tải hàng hóa đường thủy, trồng rừng sản xuất... Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tranh thủ các nguồn vốn vay thông qua các tổ chức hội, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho hội viên, đoàn viên vay phát triển các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cùng với đó, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ, nhóm hộ... Nhờ đó, cuộc sống người dân từng bước ổn định.
Đến thăm gia đình ông Ngần Văn Khói, Trưởng Công an xã Mường Sại, một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, ông Khói chia sẻ: Sau khi di chuyển TĐC lên điểm cao hơn, tôi nghĩ phải chuyển đổi sản xuất, bởi khi tích nước lòng hồ, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp. Nhận thấy diện tích đất đồi trọc nhiều, năm 2003, gia đình tôi đã trồng 1 ha cây bạch đàn với hơn 2.000 cây; hiện nay, gia đình bắt đầu tỉa thưa để bán, 1 cây tùy vào kích cỡ, có giá trị từ 1-3 triệu đồng, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Cùng với đó, năm nay gia đình tôi trồng 1 ha cây xoài Thái Lan, đây là loại xoài có giá trị, năng suất cao được thị trường ưu chuộng, sau 5 năm chăm sóc sẽ cho thu hoạch.
Ở Mường Sại, ngoài gieo trồng hơn 600 ha cây trồng các loại, người dân nơi đây còn tận dụng các bãi chăn thả ven sông chăn nuôi gia súc, gia cầm, toàn xã hiện có hơn 7.000 con gia súc, trên 16.000 con gia cầm. Đặc biệt, tận dụng diện tích mặt nước, người dân Mường Sại phát triển nghề đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trên sông Đà, hiện xã có 3 HTX thủy sản với hơn 300 lồng nuôi cá, sản lượng đánh bắt tôm, cá và cá nuôi ước đạt trên 20 tấn/năm; khoanh nuôi bảo vệ hơn 2.200 ha rừng hiện còn, tích cực trồng rừng sản xuất, nâng độ che phủ của rừng đạt 48%. Bên cạnh đó, từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chương trình di dân TĐC thủy điện Sơn La, Chương trình 30a, nhiều công trình hạ tầng như điện, đường, trường lớp học, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt... ở Mường Sại đang phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy vậy, điều trăn trở nhất của Đảng bộ, chính quyền xã Mường Sại là tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của xã còn tới 48%. Để Mường Sại từng bước thoát khỏi đói nghèo, trong lộ trình tiếp theo, xã tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên đơn vị canh tác. Chuyển đổi đất nương bạc màu sang trồng rừng, trồng cây ăn quả trên đất dốc gắn với trồng cỏ phát triển chăn nuôi trâu, bò; tận dụng mặt nước đánh bắt, nuôi thủy sản. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở...
Vẫn biết còn có những khó khăn, thách thức, nhưng với sự đồng sức, đồng lòng phát huy nội lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân nơi đây, Mường Sại sẽ từng bước thoát khỏi tình trạng xã khó khăn của huyện Quỳnh Nhai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!