Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái trắng huyện Quỳnh Nhai, cây đàn tính tẩu là một loại nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi dịp vui chơi, lễ hội, giao lưu của bản. Mang âm điệu trầm bổng, réo rắt nhưng cũng không kém phần vui tươi, rộn ràng, tiếng đàn tính được coi là linh hồn trong mỗi điệu hát then, hát Long Te hay các điệu múa truyền thống của dân tộc Thái trắng.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ với đàn tính của bà con dân tộc Thái trắng, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai).
Cây đàn tính tẩu có cấu tạo rất đơn giản, thân đàn tròn làm từ một quả bầu khô, cần dài thanh bằng gỗ cây mạy khảo hoặc gỗ cây dâu. Đàn tính có hai loại: Loại hai dây của nam và ba dây của nữ. Mỗi dây có tên gọi riêng, tùy theo vị trí được mắc trên đàn. Dây tiền, dây hậu dùng để đánh giai điệu, dây trung làm nền cho giai điệu bằng bè trầm, vì thế đàn ba dây cho hiệu quả âm nhạc cao hơn. Theo lời kể của các cụ cao niên nơi đây, chiếc đàn tính có sự tích mang đậm sắc màu huyền bí. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, có một chàng trai khỏe mạnh tên là Xiên Cân có tài đàn hát. Chàng đã lớn tuổi, nhưng nhà nghèo và ăn quá khỏe nên chưa lấy được vợ. Xiên Cân liền bắc các bậc đá lên hỏi trời (tức mẹ Hoa). Mẹ Hoa liền cho chàng một cây đàn tính có bảy dây làm từ bảy sợi tóc của một nàng tiên. Xiên Cân mừng rỡ tạ ơn mẹ Hoa ra về. Chàng đánh đàn lập tức hiện lên thành quách, thóc lúa đầy đồng và cả một thiếu nữ xinh đẹp. Thế là Xiên Cân có vợ, nhưng tiếng đàn của chàng lại làm mọi người say đắm, bỏ bê việc đồng áng. Mẹ Hoa thấy vậy liền xuống trần bứt hết bảy sợi tóc của nàng tiên và thay vào đó ba sợi dây tơ tằm có tên gọi: Dây mẹ tượng trưng cho đất nước đẹp giàu; dây anh - dây trầm cho sức mạnh giữ nước; dây em - dây bổng chính là tình yêu đôi lứa. Đàn tính còn ba dây từ đó.
Tại bản Nghe Toỏng, xã Mường Giàng, ông Điêu Chính Lả là nghệ nhân duy nhất biết chế tác đàn tính tẩu. Học làm đàn tính từ năm 15 tuổi, đến nay, ông đã làm hàng trăm chiếc đàn với chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Đối với ông, việc làm đàn tính là niềm vui, niềm say mê với loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình. Nghệ nhân Điêu Chính Lả chia sẻ: Chiếc đàn tính tẩu là một loại nhạc cụ không thể thiếu được trong cuộc sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc Thái trắng. Trong những ngày hội, đêm xòe của bản, người ta thường mang chiếc đàn tính ra đánh, đệm cho những điệu hát then hay hát long te. Để làm ra một chiếc đàn tính tẩu ít nhất cũng phải mất từ 1 ngày rưỡi đến 2 ngày, cùng với đó là nhiều vật liệu, công đoạn chế tác phức tạp, tỉ mỉ.
Không chỉ sử dụng làm nhạc cụ, đồng bào Thái trắng còn dùng đàn tính làm đạo cụ để biểu diễn trong các điệu múa truyền thống, thường gọi là múa tính tẩu. Trong mỗi tiết mục múa tính tẩu thường có từ 5-7 diễn viên nữ, mỗi người sẽ cầm một chiếc đàn tính, biểu diễn theo nhịp đàn mang âm hưởng vui tươi, rộn rã. Các động tác trong điệu múa được thể hiện một cách khỏe khoắn, dứt khoát, nhưng không kém phần uyển chuyển, khéo léo. Hình ảnh những người phụ nữ Thái tay gảy đàn tính tẩu, đi lại khiến điệu vũ trở nên đặc biệt đối với người xem. Chị Điêu Thị Thủy, Đội trưởng đội văn nghệ bản Nghe Toỏng, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai cho biết: Điệu múa đàn tính tẩu là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Thái trắng. Điệu múa này thường được biểu diễn trong mỗi dịp lễ tết của bản, hay giao lưu văn hóa, văn nghệ với các địa phương khác. Sau này, chúng tôi sẽ truyền lại cho thế hệ trẻ để duy trì nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình.
Trải qua bao thăng trầm, loại nhạc cụ này vẫn giữ được vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, bà con nơi đây cũng luôn ý thức việc duy trì, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ mai sau.
Hoàng Giang (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!