Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, mấy năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã được người dân huyện Quỳnh Nhai đầu tư nuôi và bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế... Tuy nhiên, với số lượng lồng cá ngày càng tăng mạnh, việc tìm đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề nan giải đối với với cấp ủy, chính quyền và người nuôi cá nơi đây.
Lồng cá của gia đình anh Lừ Văn Thành, HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).
Phát triển “nóng” không theo quy hoạch
Sau khi tích nước, huyện Quỳnh Nhai có hơn 10.500 ha mặt nước, đây là tiềm năng để Quỳnh Nhai phát triển nuôi trồng thủy sản. Tận dụng lợi thế này, thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai đã tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của chương trình 30a hỗ trợ người dân thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng; vận động các hộ dân dọc sông nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 88 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, đối với HTX thủy sản hỗ trợ 1 lần 5 triệu đồng/1 lồng cá trên vùng lòng hồ thủy điện đã thúc đẩy các HTX mở rộng thêm lồng nuôi cá. Đến hết năm 2016, toàn huyện có 28 hợp tác xã thủy sản và một số hộ dân tham gia nuôi cá với tổng số trên 1.800 lồng, chủ yếu các loại cá: trắm, nheo, chép, rô phi đơn tính và cá lăng. Bên cạnh đó, người dân còn khai thác hiệu quả hơn 240 ha ao hồ, kết hợp với đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Tổng sản lượng cá nuôi và đánh bắt năm 2016 đạt trên 1.000 tấn, trong đó sản lượng cá, tôm khai thác đánh bắt khoảng 490 tấn; cá nuôi (cá ao, cá lồng) khoảng 550 tấn. Nhưng chỉ qua 4 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện đã thành lập mới 18 HTX thủy sản, nâng số HTX thủy sản trên địa bàn lên 42 HTX với hơn 6.000 lồng cá (trong đó có trên 2.800 lồng đã thả cá).
Điều đáng nói là tại Nghị quyết số 19, ngày 3/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai về lãnh đạo phát triển trồng rau, củ, cây ăn quả trên đất dốc và thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, giai đoạn 2017-2020. Đối với phát triển thủy sản, huyện xác định rõ, phát huy tiềm năng lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn, phát triển ngành thủy sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng lòng hồ; gắn với phát triển du lịch sinh thái và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm; gắn với sản xuất các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao mang tính đặc thù của vùng, có tiềm năng xuất khẩu (cá tầm, cá lăng,...). Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm thủy sản có chỉ dẫn địa lý, tạo thương hiệu thủy sản vùng lòng hồ sông Đà huyện Quỳnh Nhai theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển nuôi trồng, khai thác đánh bắt gắn với việc bảo vệ nguồn lợi lâu dài, bảo đảm đa dạng sinh học và môi trường sinh thái sinh vật thủy sinh. Phát triển nuôi trồng, khai thác đánh bắt đi đôi với phát triển cơ sở phục vụ sơ chế, tiêu thụ sản phẩm (cơ sở sản xuất nước mắm, mẳm cá, cơ sở chế biến, chợ cá ven sông,…). Quá trình phát triển theo lộ trình từng năm, theo đó, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017 đạt 2.500 lồng cá, đến năm 2020 đạt 4.000 lồng cá. Tuy nhiên, mới đến tháng 4-2017, toàn huyện đã phát triển hơn 6.000 lồng cá. Với số lượng lồng cá tăng quá nhanh, không theo quy hoạch, định hướng, chắc chắn sẽ kéo theo sản lượng cá tăng vọt, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm; chưa kể đến có xã lồng cá tập trung quá nhiều tại một khu vực tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường, điều kiện sống của cá.
Khu vực lòng hồ địa phận xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) hiện đang có hàng nghìn lồng cá.
Đến thực tế tại xã Chiềng Bằng, nơi có số lượng lồng cá nhiều nhất huyện, đứng từ trên cao nhìn xuống lòng hồ đã có hàng nghìn lồng cá, cùng nhiều lồng cá đang được người dân lắp đặt thêm. Đồng chí Lò Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã, trăn trở: Với mục tiêu phát huy tiềm năng lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, chúng tôi tập trung tuyên truyền vận động bà con phát triển nuôi cá lồng theo hướng bền vững, gắn với đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, người dân đua nhau phát triển lồng cá, do đó số lượng lồng cá tăng vọt, hiện đã có 20 HTX thủy sản với trên 4.500 lồng cá, trong đó hơn 1.800 lồng đã thả cá. Điều này, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi nhiều hộ dân đã vay lãi để đầu tư làm lồng, mua cá giống...
Khó khăn của người nuôi cá
Không thể phủ nhận hiệu quả từ nghề nuôi cá lồng, bước đầu giúp người dân chuyển từ thói quen sản xuất độc canh trên đất dốc sang phát triển nuôi cá lồng gắn với nuôi thủy cầm trên lòng hồ, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, người nuôi cá ở Quỳnh Nhai đang đứng trước rất nhiều khó khăn vì chưa có doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm cho người nuôi cá. Khi cá đủ điều kiện để xuất bán, phần lớn các HTX đều tự tìm mối tiêu thụ, cung cấp nhỏ lẻ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Các HTX còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư, chưa đủ điều kiện kéo dài thời gian nuôi. Cùng với đó, phần lớn trình độ quản lý của các HTX thủy sản còn lỏng lẻo, chưa phát huy hết các chức năng vai trò của từng vị trí trong ban quản trị, chưa xây dựng được phương án sản xuất, kế hoạch sản xuất và chưa có sổ nhật ký, sổ xuất nhập vật tư, con giống thức ăn trong quá trình nuôi cá, nên chưa hoạch toán được năng suất, sản lượng một chu kỳ nuôi...
Đến thăm lồng cá của gia đình anh Lừ Văn Thành, xã viên HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban (Chiềng Bằng) đúng thời điểm gia đình vừa làm thêm 8 lồng cá, anh Thành thật thà: Năm trước gia đình có 4 lồng nuôi cá trắm cỏ, thu được 2 tấn cá, lấy tiền lãi cùng tiền giành dụm để mở rộng quy mô nuôi. Gia đình cũng lo lắm, bởi đến cuối năm, hầu hết các lồng cá đều đến thời điểm thu hoạch, sản lượng cá trong xã tăng vọt, chỉ sợ khi sản lượng cá nhiều sẽ mất giá như người nuôi lợn hiện nay; mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, để người dân yên tâm nuôi và mở rộng sản xuất.
Đối với người dân việc tìm đầu ra đã khó, các HTX càng khó hơn bởi nuôi với số lượng lớn. Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX Chiềng Bằng cho chúng tôi biết thêm: HTX hiện có 47 thành viên với trên 1.200 lồng cá. Hiện nay, chưa có doanhnghiệp, đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm, nên HTX phải chủ động tìm đầu ra qua các nhà hàng, các thương lái chuyên mua gom cá hoặc bán trực tiếp cho người dân, nhu cầu rất thất thường, không ổn định. Hơn nữa, việc bán cá nhỏ lẻ ảnh hưởng tới chất lượng của cá, do mỗi lần kéo lưới, khách hàng chỉ lựa chọn những con ưng ý, số còn lại tiếp tục thả xuống lồng ảnh hưởng tới sức khỏe của cá. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh cũng là những khó khăn, thách thức đối với người nuôi cá lồng.
Ngay cả HTX Hợp Lực hiện là HTX duy nhất trên địa bàn huyện được chứng nhận nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc HTX Hợp Lực, chia sẻ: HTX hiện có 200 lồng nuôi các loại cá như: trắm đen, chép, nheo, lăng, diêu hồng với sản lượng bình quân khoảng 200 tấn/năm. Hiện nay, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì chưa liên kết được với doanh nghiệp nào; hiện số lượng cá bán lẻ trong tỉnh và các tỉnh lân cận chỉ được khoảng ¼ sản lượng của HTX; còn lại phải bán đổ cho thương lái mang về đồng bằng thì lại không được giá do phải trừ cước vận chuyển, chi phí bảo quản...
Giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững
Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản; nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, như: dùng thuốc nổ, dùng các loại cây gây ngộ độc cá; vận động hộ dân tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; giao mặt nước cho các hộ dân nuôi cá lồng; thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản huyện Quỳnh Nhai... Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 88 của HĐND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Quỳnh Nhai đã hỗ trợ 1.559 lồng cá với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/1 lồng cá. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân vì số lượng lồng cá tăng nhanh; việc tìm doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật, thu mua sản phẩm vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với Quỳnh Nhai.
Người dân xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) chuẩn bị lưới lắp cho những lồng cá mới.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Việc tìm giải pháp để pháp triển nuôi cá lồng bền vững luôn được quan tâm, huyện đã chủ trì họp với các HTX thủy sản trên địa bàn thống nhất phương án trình cấp có thẩm quyền thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thủy sản Quỳnh Nhai trong năm 2017; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hệ thống quản lý, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; tiến hành chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu sản phẩm cá sông Đà tại Quỳnh Nhai. Cùng với đó, huyện luôn mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến với Quỳnh Nhai cùng người dân phát triển, mở rộng nghề nuôi cá trên lòng hồ sông Đà. Dự báo trong thời gian tới, sản lượng cá lồng sẽ tăng mạnh, nên ngoài sự nỗ lực, cố gắng của huyện, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, cùng chung tay giúp huyện thu hút các doanh nghiệp, tìm thị trường cho sản phẩm cá Quỳnh Nhai.
Khai thác diện tích mặt nước, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là hướng đi phù hợp của huyện Quỳnh Nhai, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân không còn đất sản xuất khu vực ven lòng hồ thủy điện Sơn La. Song, điều quan trọng nhất hiện nay là tìm được những doanh nghiệp đứng ra đảm bảo đầu ra cho người nuôi cá. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần có các bước đi mạnh mẽ và quyết liệt hơn để giúp đỡ bà con phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch lòng hồ để nâng cao đời sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nuôi, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, tránh làm ô nhiễm lòng hồ, gây dịch bệnh cho thủy sản và khai thác cạn kiệt các nguồn lợi tự nhiên; phối hợp với các cơ quan chức năng khảo nghiệm, lựa chọn giống cá nuôi thích hợp với điều kiện của khu vực lòng hồ trên địa bàn huyện... Có như vậy, nghề nuôi cá lồng mới thực sự phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!