Chuyện được mùa mất giá, gặp khó trong việc tiêu thụ do dịch bệnh COVID-19 là câu chuyện không chỉ diễn ra đối với các hộ trồng cây ăn quả, trồng rau mà cũng là câu chuyện của những hộ nuôi cá lồng ở xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai). Tìm đầu ra cho sản phẩm nuôi cá lồng là bài toán đang được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây nỗ lực giải quyết.
Gia đình ông Lù Văn Nhại, bản Xe, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) bắt cá bán lẻ cho các chợ trong huyện.
Hết năm 2020, xã Chiềng Ơn có 9 hợp tác xã (HTX) và 9 hộ nuôi thủy sản với tổng số 1.453 lồng cá, sản lượng đạt 134 tấn/năm. Số lượng lồng cá năm 2020 đã giảm 28 lồng so với năm 2019. Nguyên nhân do trước đây được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nên người dân làm lồng nuôi cá ồ ạt, trong khi chưa đủ kiến thức áp dụng các quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm, điều kiện sống của cá không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng chất lượng, năng suất cá. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà hàng phải tạm đóng cửa nên lượng cá tiêu thụ rất chậm.
Ông Lù Văn Nhại, bản Xe, cho biết: Gia đình nuôi 10 lồng, gần 3 tấn cá đến kỳ xuất bán thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Những nhà hàng đặt lấy cá số lượng lớn đồng loạt nghỉ nên gia đình phải chở đi bán lẻ tại các chợ trong huyện. Giá cá Lăng từ 120 nghìn đồng/kg giảm xuống 65 nghìn - 70 nghìn đồng/kg, cá trắm từ 80 nghìn đồng/kg, giảm còn 60 nghìn đồng/kg... mà vẫn khó bán.
Nỗi niềm của ông Nhại cũng là câu chuyện đau đầu của nhiều hộ nuôi cá lồng ở Chiềng Ơn. Còn đối với các HTX nuôi cá thì khó khăn lại nhiều hơn. Anh Lò Văn La, Giám đốc HTX Hồ Quỳnh, chia sẻ: HTX được thành lập từ năm 2014 với 8 thành viên, đến nay có 160 lồng chủ yếu nuôi cá lăng, sản lượng hằng năm đạt hơn 170 tấn. Đến năm 2020, HTX chỉ tiêu thụ được hơn 90 tấn cá, thu về 6,8 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với năm 2018, thu nhập của mỗi thành viên thấp hơn so với các năm trước. Để đảm bảo hoạt động, ngoài nâng cao kỹ thuật nuôi và chất lượng sản phẩm, HTX đã chuyển hướng, tập trung vào hoạt động sơ chế, chế biến sản phẩm cá khô, cá giảng, cá tép dầu. Năm 2020, sản lượng đạt 16 tấn thành phẩm; doanh thu hơn 2,6 tỷ đồng, duy trì việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương. Chúng tôi mong Nhà nước có những chính sách phù hợp tạo điều kiện cho những người nuôi cá lồng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thăm mô hình nuôi cá lồng của hộ anh Lù Văn Đỉnh, bản Xe, xã Chiềng Ơn. Gia đình anh Đỉnh nuôi cá lồng từ năm 2016, từ 6 lồng cá đến nay có 20 lồng nuôi các loại cá trắm, trê, nheo... Trước biến động của thị trường, anh Đỉnh cho rằng chỉ có khẳng định được chất lượng sản phẩm, mới tồn tại và phát triển được. Do đó, anh đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình VietGAP vào sản xuất, ghi chép sổ nhật ký quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn cá, chế độ cho ăn, ưu tiên sử dụng thức ăn hữu cơ... Năm qua, sản lượng của gia đình anh Đỉnh đạt 5 tấn cá, được một số đơn vị tại Lai Châu, Yên Bái đến tận nơi thu mua với giá 60 nghìn đồng/kg, thu về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn, cho biết: Trước những khó khăn hiện nay, UBND xã đã liên hệ, kết nối các HTX ở địa phương với các đơn vị tiêu thụ tại Hà Nội, Điện Biên và một số tỉnh miền Trung, tạo điều kiện cho các HTX, hộ nuôi cá trên địa bàn tham gia hội chợ để quảng bá và tìm đầu ra sản phẩm. Khuyến khích các hộ dân liên kết tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, thuận lợi cho việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; đề xuất với cấp trên giúp cho các HTX, đơn vị, cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi, để người dân an tâm gắn bó với nghề.
Hy vọng, với những cố gắng của người dân, các HTX cùng sự đồng hành của chính quyền các cấp, nghề nuôi cá lồng ở xã Chiềng Ơn sẽ vượt qua khó khăn, duy trì giữ vững và phát triển nghề cá trên vùng hồ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!