Thử nghiệm làm nước mắm ở Quỳnh Nhai, hướng đi khả quan

Với tiềm năng lợi thế về vùng hồ thủy điện Sơn La rộng lớn, huyện Quỳnh Nhai đã đẩy mạnh chương trình phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, từng bước hình thành các HTX, làng nghề, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Xã viên HTX Hải Xuân thực hiện quy trình ủ cá làm nước mắm. 

Trong đó, làm nước mắm đang được HTX Hải Xuân, xã Chiềng Bằng thử nghiệm, bước đầu có kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới, đem lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Trên lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc huyện Quỳnh Nhai có rất nhiều cá mương, với sản lượng trên 400 tấn/năm, cá mương có giá khoảng 5.000-6.000đ/kg, có thời điểm giá giảm còn khoảng 3.000-4.000đ/kg. Giá rẻ như vậy mà vẫn không bán được, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua cho người dân. Cá đánh bắt được chủ yếu phơi khô hoặc làm thức ăn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm... Trước thực tế đó, anh Tòng Văn Hải, Giám đốc HTX Hải Xuân, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã có ý tưởng thử nghiệm làm nước mắm từ loại cá nước ngọt này. Năm 2013, anh Hải đã cùng vợ về Thái Bình và Quảng Bình để học hỏi công thức làm mắm, tuy nhiên ở những vùng này người dân chỉ làm mắm từ cá biển chứ chưa có ai làm từ cá nước ngọt, nên ban đầu vợ chồng anh vẫn áp dụng cách làm của người dân vùng biển. Theo kết quả phân tích, cá mương là loại cá có cơ thịt chắc, hàm lượng protein chiếm từ 14,6-18,85%; lipit 1,92-8,75%; nước 70,24-76,77%; năng lượng 4,55-7,45 KJ/g. Với thành phần hóa học và giá thành như vậy, cá mương rất thích hợp cho sản xuất nước mắm.

Năm 2014, vợ chồng anh Hải quyết định bắt tay vào sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt. Mẻ đầu tiên gia đình anh sản xuất 4 chum, khoảng 400 lít, trong đó có 2 chum mắm cốt đầu và 2 chum cốt hai. Theo anh Hải, cứ 120kg cá thì cho ra 60 lít mắm cốt đầu và 60 lít mắm cốt hai. Theo đánh giá cảm nhận của những người dùng thử, nước mắm làm từ cá nước ngọt của HTX Hải Xuân có mùi thơm, ngọt, đậm đà. Sản phẩm có thể cạnh tranh với những sản phẩm khác và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.  Mẻ nước mắm đầu tiên tuy không có lãi, nhưng những thông tin phản hồi của người dân trên địa bàn sử dụng nước mắm, đánh giá chất lượng theo hướng tích cực, đã giúp HTX rút kinh nghiệm trong quy trình sản xuất.

Anh Hải cho biết: Hiện nay, ở huyện Quỳnh Nhai chưa có cơ sở sản xuất nước mắm nào, để sử dụng nước mắm, người dân phải mua sản phẩm này từ các tỉnh thành khác trong nước. Trong khi huyện có nguồn cá dồi dào, thì việc nghiên cứu công nghệ sản xuất nước mắm từ cá mương là hướng đi khả quan. Qua nghiên cứu thị hiếu trên thị trường, với mục tiêu góp phần giải quyết đầu ra cho nghề khai thác đánh bắt cá của người dân trong huyện, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, HTX đã xây dựng dự án “Xây dựng mô hình chế biến nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ tại huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La”, sử dụng công nghệ tiến tiến để tạo ra sản phẩm nước mắm truyền thống đặc trưng của Quỳnh Nhai, có chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch  ngày càng cao của xã hội...

Trao đổi thêm về quy trình sản xuất nước mắm, anh Hải cho biết: Sản xuất nước mắm theo phương pháp lên men truyền thống đã tạo ra những sản phẩm cốt mắm có chất lượng tốt. Tuy nhiên, phương pháp lên men truyền thống này có đặc điểm là thời gian ủ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, cũng có thể lâu hơn, nên mất nhiều thời gian, không chủ động được công nghệ do phụ thuộc vào thời tiết. Để khắc phục những nhược điểm đó, ở mẻ thứ hai, HTX Hải Xuân đã sử dụng chế phẩm enzyme proteaza để đẩy nhanh quá trình thủy phân protein của thịt cá. Với công nghệ này đã rút ngắn được quá trình chế biến, ổn định sản xuất, nâng cao khả năng thu hồi đạm trong quá trình chế biến. Hiện giờ, HTX đang thực hiện mẻ thứ 2 với 4 bể mắm đã được ủ từ tháng 9, đây là mẻ được làm theo phương pháp hoàn toàn mới, rút ngắn thời gian ủ cá, giảm thiểu được sự hao hụt đạm trong quá trình chế biến, rút ngắn thời gian sản xuất.

Hiện, dự án “Xây dựng mô hình chế biến nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ tại huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La” của HTX Hải Xuân đang được các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá chất lượng. Với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị của HTX thì bước đầu có thể khẳng định, dự án nghiên cứu sử dụng cá mương để sản xuất nước mắm là một hướng mở ra cách làm mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống bằng nghề khai thác đánh bắt cá, góp phần vào việc phát triển kinh tế của huyện Quỳnh Nhai.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới