Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Quỳnh Nhai, đã làm bộ mặt nông thôn của các xã trên địa bàn đã có nhiều thay đổi tích cực. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các công trình đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả.
Người dân bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây sa nhân.
Mường Giàng là xã đầu tiên của Quỳnh Nhai được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Ông Ngần Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đạt được chuẩn 19 tiêu chí NTM đã khó, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí càng khó hơn. Bởi vậy, ngay sau khi được công nhận NTM, Mường Giàng đã thành lập các tổ phụ trách các bản thường xuyên kiểm tra các hộ về việc thực hiện củng cố đảm bảo giữ vững các tiêu chí đạt được. Sau 3 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã có nhiều thay đổi, ý thức giữ vững chuẩn nông thôn mới của bà con được nâng cao, nhất là việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập, rồi đến ý thức bảo vệ, tôn tạo đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường.
Được biết, hiện nay, xã Mường Giàng chỉ còn 4,8% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm; toàn xã bê tông hóa được trên 20 km đường liên bản, nội bản; 24 bản có nhà văn hóa; toàn xã có 4 chợ, đảm bảo duy trì tốt các hoạt động giao thương của nhân dân trong vùng; hệ thống thủy lợi thường xuyên được khơi thông, đảm bảo đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất; trên 70% xóm, bản và gia đình đạt danh hiệu văn hóa... Là minh chứng cho sự đổi thay của vùng quê nông thôn mới.
Còn xã Chiềng Bằng, nhờ khai thác tốt những tiềm năng tự nhiên sẵn có, chương trình xây dựng NTM như đã tiếp thêm luồng sinh khí mới, tạo động lực giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Cách làm nổi bật đưa đến thành công trong chương trình xây dựng NTM tại xã Chiềng Bằng là cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông nhằm giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao thu nhập trên diện tích cây trồng. Ông Ngần Văn Đưa, Chủ tịch UBND xã thông tin: Sau khi thực hiện Dự án di dân tái định cư phục vụ công trình thủy điện Sơn La, đời sống của người dân Chiềng Bằng đã có không ít xáo trộn. Bởi vậy, khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, cấp uỷ, chính quyền xã xác định vừa ổn định tình hình đời sống người dân vừa động viên bà con xây dựng mô hình kinh tế phù hợp. Điển hình là mô hình nuôi cá lồng, từ chỗ còn lạ lẫm, đến nay, toàn xã có 20 HTX thủy sản nuôi hơn 4.000 lồng cá, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Cuối năm 2016, xã đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, người dân phấn khởi lắm. Ai cũng hiểu, xây dựng nông thôn mới là cho người dân vì thế mọi người đều bảo nhau cố gắng giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được.
Đến thăm gia đình ông Lò Văn Khặn, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng, một điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã, ông Khặn chia sẻ: Theo tôi, muốn thực hiện xây dựng nông thôn mới trước tiên là phải xóa được cái đói, cái nghèo cho chính gia đình mình và người dân trong bản. Sau khi tích nước lòng hồ, tôi nhận thấy đây là cơ hội để phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, mở rộng sản quy mô, hiện nay nhà tôi có trên 100 lồng cá với nhiều giống cá khác nhau, ngoài ra còn nuôi thêm 3.000 con vịt thương phẩm và bán giống cho bà con trong vùng khoảng 5.000 con giống/năm. Được biết, ông Khặn hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Bằng với 47 thành viên đều là nông dân tham gia nuôi hơn 1.200 lồng cá. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng, ông Khặn luôn chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho các thành viên HTX và bà con trong xã để cùng phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Quỳnh Nhai là huyện trọng tâm thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, do đó kết cấu hạ tầng về hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa bản, các trụ sở đơn vị hành chính ở tất cả các xã trên địa bàn huyện đã được đầu tư đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất được phát huy hiệu quả, đã giúp huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã... Đặc biệt, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội địa phương, là động lực đổi thay diện mạo vùng nông thôn, Quỳnh Nhai đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tiến hành lập quy hoạch và xây dựng đề án trên cơ sở các thế mạnh từng vùng, bám sát các tiêu chí NTM. Chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xuống các xã nắm bắt tình hình, tìm hiểu lợi thế từng vùng, từng xã, từ đó tham mưu cho các xã có phương án thực hiện các tiêu chí có hiệu quả nhất.
Cùng với đó, Quỳnh Nhai đã sử dụng, lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Chỉ tính trong năm 2017, đã huy động được hơn 83 tỷ đồng. Với cách làm này, nhiều tiêu chí NTM từng bước được hoàn thành, củng cố, điển hình như: Thực hiện làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 40, 63 và Nghị quyết số 115, Quỳnh Nhai đã triển khai là 892 tuyến với chiều dài hơn 120 km; 167/196 bản có điện lưới quốc gia; 93,2% người dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh; 11/11 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn, 126/196 bản, xóm có nhà văn hóa; toàn huyện hiện có 48 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, trong đó có 45 HTX thủy sản với 620 thành viên và 6.817 lồng cá, cơ bản các HTX hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,8%...Nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã trở thành “điểm sáng” với số xã đạt chuẩn NTM nhiều nhất trong toàn tỉnh. Hiện tại, Quỳnh Nhai có 3 xã là: Mường Chiên, Chiềng Bằng và Mường Giàng đạt chuẩn NTM; 2 xã Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh đạt từ 15-18 tiêu chí; 6 xã còn lại đạt từ 6-10 tiêu chí.
Thực hiện xây dựng NTM tại Quỳnh Nhai, mỗi xã đã có những cách làm riêng, song có thể cảm nhận rõ điểm chung nhất ở các vùng quê, đó là diện mạo căng tràn sức sống, giữa màu xanh của sự trù phú, ấm no; màu xanh của niềm tin và hy vọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều xã của Quỳnh Nhai hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, để những mùa xuân càng thêm rộn rã, vui tươi khi người dân được đón năm mới trọn vẹn niềm vui trên quê hương đang chuyển mình phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!