Quỳnh Nhai sau 5 năm thực hiện dự án trí thức trẻ

Sau 5 năm chia ngọt, sẻ bùi với bà con các dân tộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, 6 đội viên thuộc Dự án 600 tri thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại các xã nghèo và 42 thành viên tổ công tác trí thức trẻ thực hiện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về tăng cường tại huyện Quỳnh Nhai đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo ở những vùng đất còn nhiều khó khăn.

 

Mô hình nuôi cá lồng tại Hợp tác xã thủy sản Xe Ngoài, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai).

Quỳnh Nhai là một trong 62 huyện nghèo của cả nước thực hiện Quyết định 1097 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo; Quỳnh Nhai cũng là huyện thực hiện Quyết định 753 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thu hút trí thức trẻ, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 5 huyện nghèo. Sau gần 5 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, 48 đội viên, thành viên đã cống hiến tâm huyết vào sự phát triển chung ở cơ sở.

Chị Lê Thị Hương, quê ở Nam Định, đội viên Dự án 600 trí thức trẻ, sau khi nhận chức Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ét, đã dành nhiều thời gian đến từng bản, từng hộ, gần gũi với bà con tìm hiểu phong tục, tập quán, phương thức canh tác của người dân để từ đó có phương pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Chủ động phối hợp các khối đoàn thể tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Chị Hương cho biết: Từ chỗ người dân không quen dùng phân bón cho ngô, sắn để nâng cao năng suất, qua nhiều lần vận động, hướng dẫn, giờ đây người dân Nậm Ét đã biết ứng dụng KHKT trong sản xuất; biết trồng xen canh, gối vụ để có cuộc sống đảm bảo hơn. Năm 2012, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Nậm Ét là 61%, nay giảm xuống còn trên 40%.

Đội viên Điêu Quỳnh Nga sinh ra và lớn lên ở huyện Quỳnh Nhai, tốt nghiệp Khoa Sinh Hoá, Trường Đại học Tây Bắc, Nga đăng ký về phục vụ tại huyện. Với mong muốn góp phần cải thiện phần nào đời sống của bà con tại quê nhà, Nga đã vận dụng những kiến thức được học giúp người dân quê mình vươn lên xoá đói, giảm nghèo, có cuộc sống ấm no hơn. Thấy bà con xã Chiềng Ơn đời sống còn nhiều khó khăn, chị mạnh dạn chọn nuôi thí điểm giống gà lương phượng, là giống gà sao dễ nuôi, có sức đề kháng cao, phù hợp thị trường. Đến nay, mô hình nuôi gà được nhân rộng trong xã, tạo nguồn thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, chị cùng cán bộ xã vận động 10 hộ thử nghiệm mô hình nuôi cá lồng, kết quả bước đầu cho kết quả tốt. Sau 5 năm cống hiến, chị đã cùng đội ngũ lãnh đạo xã đưa tỷ lệ hộ nghèo từ trên 51% năm 2012, xuống còn 40% năm 2015.

Cùng với chị Nga, chị Hương, nhiều đội viên thuộc dự án luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của người dân. Họ luôn là lực lượng đi đầu trong việc tiếp cận những chương trình, dự án mang tính thực tiễn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương. Theo đánh giá của UBND huyện Quỳnh Nhai, các đội viên của Dự án đã có nhiều đóng góp, tham mưu, giúp các xã phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn; hướng dẫn cán bộ, công chức xã khai thác, sử dụng máy tính phục vụ nhiệm vụ chuyên môn; vận động nhân dân đưa những giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ trí thức trẻ đã chủ động nghiên cứu, vận dụng kiến thức chuyên môn vào xây dựng nông thôn mới, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả, phương án, đề án phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở địa phương, như: áp dụng mô hình chăn nuôi gia cầm, nuôi cá lồng, phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi... nhất là ở các điểm di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Từ thực tiễn ở cơ sở, sự phấn đấu miệt mài, chấp nhận vất vả, khó khăn, không ngừng rèn luyện và trưởng thành, gần 5 năm qua, đã có 14 trí thức trẻ được kết nạp vào Đảng. 

Có thể thấy các đội viên trí thức trẻ có nhiều đóng góp vào sự phát triển KT-XH của các địa phương, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn...

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới