Quỳnh Nhai phát triển nuôi cá lồng theo hướng bền vững

Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã được người dân huyện Quỳnh Nhai đầu tư nuôi và bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế... Tuy nhiên, với số lượng lồng cá ngày càng tăng mạnh, việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề được huyện Quỳnh Nhai đặc biệt quan tâm, hướng tới phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

 

Người dân tham quan, mua bán tại Hội chợ cá sông Đà huyện Quỳnh Nhai năm 2018.

 

Sau khi hồ thủy điện Sơn La tích nước, huyện Quỳnh Nhai có hơn 10.500 ha mặt nước, đây là tiềm năng để huyện phát triển nuôi trồng thủy sản. Để phát huy tiềm năng, lợi thế mặt hồ huyện tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của tỉnh liên quan đến phát triển thủy sản, xây dựng HTX... Nhờ đó, số lượng các HTX thủy sản trong huyện ngày càng tăng. Trong năm 2017, huyện thành lập mới 17 HTX thủy sản, nâng tổng số HTX thủy sản gần 50 HTX, tham gia nuôi cá, số lồng nuôi trên 6.800 lồng (trong đó số lồng đảm bảo mật độ có hiệu quả hơn 3.000 lồng). Bên cạnh đó, người dân còn khai thác hiệu quả khoảng 246 ha ao hồ, kết hợp với đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản cả năm ước đạt 1.565 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi 1.025 tấn; sản lượng khai thác đánh bắt 540 tấn. Thương hiệu cá lòng hồ Sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai bước đầu được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng và được tiêu thụ với khối lượng lớn, kể cả nguồn thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi trong lồng, được thu gom vận chuyển về các khách sạn, nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Có thể nói phát triển nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân ven lòng hồ thủy điện Sơn La.

Tuy nhiên, người nuôi cá ở Quỳnh Nhai đang đứng trước rất nhiều khó khăn vì chưa có doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm cho người nuôi cá. Khi cá đủ điều kiện để xuất bán, phần lớn các HTX đều tự tìm mối tiêu thụ, cung cấp nhỏ lẻ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Các HTX còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư, chưa đủ điều kiện kéo dài thời gian nuôi. Để giúp người nuôi cá từng bước tháo gỡ những khó khăn, huyện Quỳnh Nhai đã có nhiều giải pháp như: thành lập Tổ tư vấn thuỷ sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các HTX, tìm một số đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các HTX... Cùng với đó, huyện tập trung hỗ trợ, định hướng phát triển mô hình HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP; phát huy vai trò của Liên hiệp HTX thủy sản để liên kết các HTX hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến khâu chăm sóc, bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ Liên hiệp HTX thủy sản của huyện tìm hiểu thị trường tại các địa bàn lân cận, xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp thủy sản an toàn với thương hiệu cá sông Đà...

Ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới huyện Quỳnh Nhai tiếp tục hỗ trợ các HTX thủy sản đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao mang tính đặc hữu của vùng, gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản Sông Đà, tạo chỉ dẫn địa lý cá Sông Đà; phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; gắn phát triển nuôi thủy sản với phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La; có cơ chế khuyến khích các HTX, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản...

Khai thác diện tích mặt nước, phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản là hướng đi phù hợp, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân TĐC thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải sớm xây dựng được thương hiệu cá Sông Đà với những loại cá mang đặc trưng riêng của Quỳnh Nhai. Có như vậy, nghề nuôi cá lồng ở Quỳnh Nhai mới phát triển bền vững, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với thủy sản ở những vùng khác trong cả nước.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới