Quỳnh Nhai giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, các cấp, các ngành và nhân dân huyện Quỳnh Nhai luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, làm phong phú, đa dạng đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Các vận động viên tham gia đua tài tại Lễ hội đua thuyền huyện Quỳnh Nhai năm 2016.

Trao đổi với bà Bạc Thị Hoàn, Trưởng Phòng Văn hóa -  Thông tin huyện, được biết: Với đặc thù huyện miền núi, có 7 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng từ trang phục, tiếng nói, chữ viết, lễ hội... Hiện nay, Quỳnh Nhai có Lễ hội đua thuyền, Lễ hội gội đầu, Lễ hội Kin Pang Then và những nét đẹp văn hóa gắn bó với đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân được giữ gìn phát huy. Phòng đã thực hiện tốt việc sưu tầm, bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch bảo tồn, khôi phục những nét đẹp văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu được vai trò, ý nghĩa việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng, vốn có của dân tộc. Đồng thời, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan, gây lãng phí về kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Đã từ lâu Quỳnh Nhai được biết đến với truyền thuyết Nàng Han, Lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm trên sông Đà, với những câu hát giao duyên, những điệu múa khăn piêu, múa nón... các địa danh văn hóa tâm linh như Đền thờ Linh sơn Thủy từ và Nàng Han. Lễ hội đua thuyền là nét văn hóa của người dân huyện Quỳnh Nhai gắn liền với dòng sông Đà. Người dân nơi đây quan niệm, những ai giỏi chèo thuyền là người có khả năng chinh phục sông nước và thuận lợi trong việc làm ăn sinh sống; vì thế, từng bản, làng đã hình thành những cuộc đua thuyền quy mô nhỏ. Từ năm 2011, UBND huyện quyết định tổ chức Lễ hội đua thuyền hằng năm với quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện tham gia. Còn Lễ hội gội đầu mừng năm mới được tổ chức vào 30 Tết âm lịch hằng năm để tưởng nhớ Nàng Han, người con gái cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm và mong muốn gột bỏ những xui xẻo, bệnh tật của năm cũ, đón năm mới với nhiều sức khỏe, may mắn, được tổ chức từ năm 2003 đến nay, cũng thu hút ngày càng đông du khách quan tâm, tham dự. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương còn tổ chức các hoạt động, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: Kéo co, ném còn, tó má lẹ... 

Cùng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc, huyện Quỳnh Nhai còn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng bản làng văn hóa; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước bản làng, giữ vững an ninh trật tự xã hội. Đến nay, toàn huyện có 137 bản, xóm văn hóa; 247 đội văn nghệ thường xuyên giao lưu biểu diễn; 117 nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Từ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài huyện đến thăm quan.

Việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc ở huyện Quỳnh Nhai đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, cùng đoàn kết vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Quốc Định
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới