Nuôi cá lồng VietGAP trên hồ thủy điện

Những năm gần đây, khai thác tiềm năng lợi thế của lòng hồ thủy điện Sơn La, nghề nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai đang phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân... Bên cạnh việc phát triển về số lượng, sản lượng lồng cá thì chất lượng sản phẩm đang được huyện Quỳnh Nhai đặc biệt quan tâm, hướng tới phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

 

Lồng nuôi cá trắm đen của HTX vận tải Hợp Lực.

 

Đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của HTX vận tải Hợp Lực, với hơn 200 lồng cá nuôi từ năm 2015, đến nay, HTX đã xuất ra thị trường hơn 100 tấn cá. Không chỉ quan tâm đến số lượng, các giống cá của HTX đều được lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường khó tính với các giống cá quý, bổ dưỡng, như: Lăng đen, trắm đen, rô diêu hồng... Anh Nguyễn Quốc San, thành viên HTX cho biết: Quá trình nuôi đã được tiến hành đồng bộ các khâu về giống, mật độ thả cá, thức ăn, chăm sóc và quản lý cá khi xuất ra thị trường; trung bình từ 3-5 kg, cá biệt cá trắm đen thì cao hơn, có con nặng đến 10 kg sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Huyện Quỳnh Nhai đang có hơn 10.500 ha mặt nước, đây là tiềm năng để huyện phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2017, huyện đã thành lập mới 17 HTX thủy sản, nâng tổng số HTX thủy sản lên gần 50 HTX với trên 6.800 lồng nuôi cá (trong đó số lồng đảm bảo mật độ có hiệu quả hơn 3.000 lồng). Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản cả năm 2017 đạt 1.565 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi 1.025 tấn; sản lượng khai thác đánh bắt 540 tấn. Thương hiệu cá lòng hồ Sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai bước đầu được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ với khối lượng lớn, kể cả nguồn thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi trong lồng, được thu gom vận chuyển tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Có thể nói phát triển nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân ven lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện đã thành lập Tổ tư vấn thuỷ sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các HTX, tìm một số đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các HTX; vận động, hỗ trợ, định hướng các HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP; phát huy vai trò của Liên hiệp HTX thủy sản để liên kết các HTX hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến chăm sóc, bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là việc sản xuất của các HTX phải thực hiện theo hình thức gối vụ để luôn đảm bảo số lượng, chất lượng cung cấp ra thị trường. Chúng tôi đang hỗ trợ Liên hiệp HTX thủy sản của huyện xây dựng nhà sơ chế, bảo quản cá để đóng gói sản phẩm gửi đi các tỉnh; xây dựng thương hiệu cá sông Đà, đưa sản phẩm cá sông Đà tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh...

Hiện, Quỳnh Nhai đang có hơn 10 HTX đăng ký nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, thành công bước đầu của mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La tiêu chuẩn VietGAP ở Quỳnh Nhai đang từng bước làm thay đổi nhận thức của các HTX nơi đây. Với việc đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La đang là hướng đi phù hợp, bền vững ở huyện Quỳnh Nhai.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới