Nuôi cá lồng ở bản Ít B

Phát huy tiềm năng thế mạnh trên lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm gần đây, người dân ở bản Ít B, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) đã tận dụng lợi thế diện tích mặt hồ để tập trung nuôi cá lồng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

 

Mô hình nuôi cá lồng ở HTX Ngọc Hùng, bản Ít B, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai).

Bản Ít B là bản tái định cư thủy điện Sơn La theo diện di chuyển nội xã vào năm 2007. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân bản Ít B đã chú trọng khai thác lợi thế, tiềm năng vùng lòng hồ để khai thác thủy sản. Tháng 3/2017, bản Ít B thành lập HTX thủy sản Ngọc Hùng với 162 lồng cá, 14 thành viên tham gia. Mỗi lồng nuôi cá có diện tích trung bình là 36 m2, được làm bằng khung thép chắc chắn; tập trung nuôi chủ yếu các loại cá trắm, lăng, chép, rô phi, nheo, trê... Đến nay, HTX đã thu được hơn 12 tấn cá các loại với giá từ 30 đến 80 nghìn đồng/kg tùy từng loại cá khác nhau, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi cá. Để nuôi cá đạt hiệu quả, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, HTX đã tận dụng rau củ, bột ngô, sắn, cỏ voi VA06 tự trồng trên nương, ven lòng hồ, làm vó đánh bắt cá tạp từ lòng hồ làm thức ăn cho cá. Anh Tòng Văn Loán, Giám đốc HTX Ngọc Hùng, cho biết: HTX mới thành lập chưa lâu, nên còn gặp không ít khó khăn về vốn, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, các thành viên chủ yếu bán lẻ cho các thương lái với số lượng bấp bênh, không ổn định. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của HTX là tìm được đầu ra cho sản phẩm để các thành viên yên tâm đầu tư, phát triển nuôi cá.

Là thành viên của HTX Ngọc Hùng, anh Tòng Văn Na cho biết: Năm 2014, gia đình tôi vay mượn được hơn 100 triệu đồng từ anh em họ hàng để đầu tư xây dựng nuôi 20 lồng cá, với diện tích 36 m2, chu kỳ nuôi từ 7 đến 12 tháng. Khi HTX Ngọc Hùng được thành lập, tôi đăng ký tham gia làm thành viên của HTX, qua đó, giúp tôi học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh giữa các thành viên với nhau. Nhờ vậy, đàn cá lớn nhanh và phát triển tốt, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi bán được hơn 2 tấn cá các loại, thu về 100 triệu đồng. Nuôi cá lồng hiệu quả cao hơn nhiều so với việc canh tác trồng ngô, sắn trên nương trước đây.

Tìm hiểu được biết, ngoài HTX Ngọc Hùng, bản còn có HTX bản Ít B nuôi 89 lồng cá với 11 thành viên tham gia. Với việc các HTX được thành lập không chỉ giúp người dân vùng lòng hồ phát huy lợi thế để tham gia phát triển nuôi trồng thủy sản mà còn giúp các thành viên có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ khi nuôi cá lồng, đời sống của người dân trong bản đã ổn định hơn, bản có 38 hộ, hiện chỉ còn 19 hộ nghèo.

Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của người dân ở bản Ít B đã và đang đem lại nhiều hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, giúp người dân có thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo.

A Mua (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới