Về bến phà Nặm Ét, xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai) mùa này, chúng tôi được chứng kiến những chuyến phà tấp nập ngược xuôi đưa khách cùng các mặt hàng nông sản của nhân dân phía tả ngạn sông Đà bao gồm các xã Nặm Ét, Mường Sại (Quỳnh Nhai) ra xã Chiềng Khoang và ngược lại. Đây là điều mà mấy năm trước người dân nơi đây hằng mong ước.
Bến phà Nặm Ét giúp bà con thuận tiện đi lại, giao thương hàng hóa.
Qua tìm hiểu được biết, khi chưa có bến phà Nặm Ét, bà con ở đây phải bắc cầu phao bằng cách kết các thùng phi từ bên bờ xã Chiềng Khoang sang xã Nặm Ét. Bề mặt được dải một lớp ván gỗ nên dễ gây trơn trượt và đã xảy ra không ít vụ tai nạn, khiến người dân thấp thỏm, lo sợ khi mỗi lần đi qua. Sau hơn một năm đi bằng cầu phao, một số gia đình có điều kiện đã tự đầu tư mua thuyền để chở khách qua sông. Từ một vài chiếc, dần dần, tại bến Nặm Ét đã có khoảng 20 chiếc thuyền chủ yếu chở xe máy và người dân đi lại. Tuy nhiên, để vào được tận các xã Nặm Ét, Mường Sại thu mua nông sản, các thương lái vẫn phải đi ô tô vòng đường qua xã Chiềng Ngàm (Thuận Châu) dài khoảng 70 km, do đó, sản phẩm nông sản của bà con thường bị thương lái ép giá, gây khó khăn cho việc tiêu thụ và sản xuất.
Để tạo điều kiện đi lại cho bà con, Sở Giao thông Vận tải đã thành lập bến phà ở khu vực xã Nặm Ét và đưa vào hoạt động tháng 5/2015, do Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La làm chủ đầu tư. Là người trực tiếp theo dõi và quản lý bến phà Nặm Ét, ông Hà Hoàng Điệp, Phó Phòng Kế hoạch - kỹ thuật, Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Để đảm bảo phương tiện di chuyển cho bà con, Công ty đã đầu tư mua mới 2 chiếc phà, 1 chiếc có trọng tải 30 tấn, ngoài chở người và xe máy, chiếc phà này còn chở được 3 ô tô; 1 chiếc phà nhỏ hơn có thể chở được 30 người cùng 30 chiếc xe máy. Từ khi đưa vào hoạt động, việc đi lại và thông thương hàng hóa của người dân giữa hai bờ Nặm Ét và Chiềng Khoang thuận tiện, đảm bảo an toàn hơn.
Trao đổi với chúng tôi, chị Quàng Thị Thương, bản Cọ, xã Nặm Ét cho biết: Từ khi có bến phà Nặm Ét, chúng tôi cảm thấy yên tâm mỗi khi qua sông, không còn cảm giác lo âu như đi thuyền hay cầu phao nữa. Thuận tiện trong việc đi lại, gia đình tôi đã lấy hàng hóa từ huyện về bán, mở tiệm tạp hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân trong bản. Dự định sắp tới, gia đình tôi sẽ mở thêm một cửa hàng bán đồ điện gia dụng để tăng thêm thu nhập.
Để vận hành, hiện bến phà Nặm Ét có 7 công nhân có nhiều năm kinh nghiệm, từng làm ở bến phà Pá Uôn cũ. Công việc tại bến bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ hàng ngày, Ban quản lý phà lên kế hoạch phân công thành nhiều ca trực để anh em có thể thay phiên nhau nghỉ ngơi. Trung bình phà chạy từ 10 đến 20 chuyến mỗi ngày, thậm chí tăng lên 30 chuyến khi vào mùa thu hoạch nông sản hoặc dịp tết do nhu cầu qua lại, mua sắm của bà con tăng lên.
Nói về lợi ích bến phà mang lại, ông Lò Văn Đôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nặm Ét, chia sẻ: Nhờ có bến phà mà việc trao đổi hàng hóa trở nên dễ dàng, xuất hiện thêm nhiều mặt hàng và loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con. Hơn cả, giao thông thuận tiện, tạo điều kiện cho nhiều thương lái đến thu mua nông sản, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ, bà con không còn bị ép giá, là động lực để bà con tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Bến phà Nặm Ét đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bà con hai xã Nặm Ét, Mường Sại giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!