Người Dao ở Sơn La, gồm: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt với những đặc trưng văn hóa khác nhau. Song họ có chung một nghề truyền thống là làm giấy dó. Hàng năm, cứ khi nông nhàn, đồng bào Dao Đỏ ở bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) lại làm giấy dó.
Người Dao Đỏ ở bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) đang tráng giấy dó.
Nguyên liệu để làm giấy gồm cuống rơm lúa nương; gióng tre non vừa ra lá; cây dướng hoặc cây dó. Ngoài ra, còn có cây nhớt làm chất tạo độ kết dính cho giấy. Người Dao lấy nguyên cuống rơm đoạn thân cây lúa gần với bông. Dùng cây tre non, vừa ra lá, chặt lấy gióng (bỏ đốt), cạo hết lớp vỏ phấn xanh, bỏ ruột, chẻ thành nan mỏng. Cây dướng, cây dó chặt về, cạo hết lớp bên ngoài rồi tước lấy vỏ. Các loại nguyên liệu này tỷ lệ ngang nhau cho vào nồi, thêm một ít tro bếp đã được sàng lọc kỹ và ít vôi cùng với nước đun nhừ, có màu nâu đục giống như bã của củ sắn dây, lại đem ngâm ủ từ 5 đến 7 ngày nữa. Sau đó, nguyên liệu được nắm thành từng nắm, dùng chày gỗ đập nhừ rồi cho vào thùng nước sạch khuấy đều, dùng que tre buộc thành nan như chiếc lược để vớt bỏ hết bã, hòa thêm ít nước vỏ cây nhớt đập dập đã được lọc trước, rồi tiến hành tráng giấy.
Khung tráng giấy làm bằng gỗ, căng mặt bằng vải thô, kích thước khoảng 1 m. Đặt các khung tráng ở chỗ bằng phẳng, dùng gáo múc nước bột giấy tráng đều trên bề mặt khung vải thành một lớp mỏng. Bằng kinh nghiệm người tráng giấy có thể biết được giấy đã đủ độ hay chưa, dày quá thì giấy sẽ thô, mỏng quá thì giấy dễ rách, không bóc được. Tráng giấy xong, để nguyên cho róc bớt nước, khoảng 30 phút sau, lại dựng nghiêng góc 45 độ rồi phơi nắng khoảng 2 ngày là bóc giấy. Khi bóc giấy, dùng một thanh tre mỏng, nhẵn hoặc dùng mảnh xương sườn trâu, bò đã mài nhẵn lách bốn phía xung quanh khung giấy để cắt góc giấy rồi dùng hai tay kéo mặt giấy bóc nhẹ, đều từ trên xuống dưới. Giấy thành phẩm mỏng, có mầu trắng đục, một mặt mịn bóng, một mặt hơi thô ráp.
Người Dao Đỏ ở Phiêng Bay cũng giống các vùng người Dao khác, dùng giấy dó để viết sách và làm đồ cúng lễ. Người Dao có chữ viết gọi là chữ Nôm Dao, được lưu truyền từ đời này qua đời khác như: sách văn học, sách tín ngưỡng tôn giáo, sách lịch sử và một số loại hình khác. Đặc biệt, trong các lễ: cấp sắc, tết nhảy, giải hạn, thanh minh... đều không thể thiếu giấy bản (giấy dó) để vẽ, viết lên đó những điều dăn dạy cháu con làm điều lành, tránh điều ác... Ngoài ra, giấy dó còn dùng rất nhiều trong các lễ nghi, giấy dó làm tiền vàng, cắt các hình nhân, con vật để làm lễ vật dâng lên thần linh, tổ tiên, cho người quá cố mang về thế giới bên kia. Mỗi gia đình người Dao Đỏ ở Phiêng Bay một năm phải làm khoảng 100 tờ giấy để phục vụ các lễ nghi, nhà nào không có điều kiện làm có thể làm sẵn nguyên liệu, đổi công cho nhà khác làm giúp hoặc có thể mua của nhau. Hằng năm, mỗi nhà nấu nguyên liệu giấy khoảng một nồi 500 lít, tráng giấy đủ dùng cho cả năm.
Nghề làm giấy của người Dao Đỏ ở Phiêng Bay chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, họ cho rằng nghề làm giấy là công việc yêu cầu sự khéo léo, tỷ mỷ và kiêng người lạ đi vào khu vực nấu giấy sẽ làm cho nồi giấy không thành công, nguyên liệu sẽ không được nhừ như mong muốn.
Hiện nay, nghề làm giấy vẫn được duy trì ở bản Phiêng Bay. Cấp ủy, chính quyền bản, các dòng họ đều nhắc nhở người thân, gia đình, khuyến khích con cháu bảo tồn và phát huy nghề làm giấy dó thủ công truyền thống để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao nói chung, người Dao Đỏ ở bản Phiêng Bay nói riêng.
Anh Đức
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!