Màng tang - cây thuốc quý ở Chiềng Khay

Chúng tôi đến xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) đúng dịp mùa cây màng tang đang chín rộ với quả màu tím, mùi thơm tỏa man mát khắp thung lũng. Màng tang là một cây thuốc quý mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong vùng.

 Người dân xã Chiềng Khay thu hái quả màng tang.

Là một loại thuốc quý trong Đông y, lá màng tang để làm thuốc, sử dụng tươi hoặc phơi khô. Thuốc có vị cay, hơi đắng, tính ấm, tác dụng khử phong tán hàn, lý khí chỉ thống. Lá dùng ngoài trị nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn. Rễ cây được dùng trị nhức đầu, đau dạ dày, phong thấp, đau nhức xương, đau ngang thắt lưng... Quả cũng dùng trị ăn uống không tiêu, đau dạ dày. Theo phân tích dược lý cho thấy nhiều bộ phận của cây màng tang như quả, hoa, lá, vỏ thân, rễ chứa tinh dầu, nhưng nhiều nhất là quả chứa đến 5%. Tinh dầu màng tang có tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh, tẩy sạch không khí. Tinh dầu có tính nóng có thể pha chế làm dầu xoa bóp, làm tan chỗ bầm tím, làm khô miệng vết thương. Dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa, kỹ nghệ hương liệu.

Tìm hiểu được biết, cây màng tang thuộc họ long não, đây là loại cây nhỡ, cao chừng 5 đến 8 m, thân vỏ xanh, đến già chuyển thành màu nâu xám. Cành nhỏ và mềm. Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, mọc, thành chùm ở nách lá. Cây ra hoa vào tháng 1 đến 3, thu hoạch quả chín từ tháng 6 đến tháng 10. Hiện ở Chiềng Khay đã có một xưởng chế biến tinh dầu màng tang của gia đình ông Lò Xuân Hồ. Được biết, chủ xưởng đã tìm hiểu và học hỏi cách chế biến tinh dầu màng tang từ tỉnh Yên Bái, sau đó, đầu tư xây dựng khu xưởng chế biến, với 2 máy lọc dầu và 4 công nhân làm việc. Ông Lò Xuân Hồ đã hướng dẫn 5 người trong xã về kỹ thuật hái màng tang bằng cách rải bạt quanh gốc cây để tiết kiệm những quả chín rụng và hái từng chùm nhỏ để quả không bị dập nát. Mỗi ngày, xưởng của ông thu mua được từ 2 tạ quả màng tang trở lên, thậm chí có lúc đến 1 tấn. Ông Lò Xuân Hồ, chủ xưởng chế biến cho biết: Chúng tôi kí hợp đồng với Công ty TNHH hương liệu và gia vị Bạch Cúc (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) để xuất ra nước ngoài làm hương liệu. Mỗi ngày, xưởng chế biến bình quân được 20 lít tinh dầu, mỗi vụ xuất được hơn 800 lít tinh dầu, với giá bán 400.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ tôi thu được 300 triệu đồng. Năm 2016, tôi tiếp tục mua giống sả công nghiệp về chia cho bà con cùng gieo trồng, thu mua để chế biến thành tinh dầu. Bình quân mỗi vụ, xưởng chế biến được trên 1.900 lít tinh dầu sả với giá bán 350 nghìn đồng/lít, trừ chi phí xưởng thu hơn 100 triệu đồng/vụ. Trong tháng 8 qua, tôi đã đầu tư thêm 1 máy lọc dầu có dung tích gần 1 tấn để đáp ứng nhu cầu điều chế của xưởng, nâng sản lượng tinh dầu lên 80 lít/ngày. Bên cạnh đó là trồng thêm 30 ha cây màng tang.

Anh Quàng Văn Pên, bản Khoang I chia sẻ: Nhà tôi trồng 2 ha sả công nghiệp, mỗi năm, thu được gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi ngày, tôi lên rừng thu hái màng tang cũng được từ 30-40 kg, với giá thu mua là 5.000 đồng/kg, được 150.000 đến 200.000 đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm đồi màng tang, đồng chí Lò Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khay chia sẻ: Mấy năm gần đây, người dân Chiềng Khay mới biết đến tác dụng của cây thuốc quý- màng tang, cây này mọc rải rác hoặc tập trung thành đám nhỏ, vừa nói, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã hái một chùm quả màng tang đưa cho chúng tôi, chùm quả nhỏ, mọng tròn, có mùi thơm hơi giống mùi sả chanh nhưng có phần đặc biệt hơn. Thấy chúng tôi tỏ ra thích thú, đồng chí Bí thư bảo: Hái mấy quả cho vào túi, để tránh bị muỗi, vắt đốt. Người dân ở đây khi lên rừng hay hái màng tang đút vào túi đấy.

Trên địa bàn xã hiện màng tang tự nhiên mật độ thưa thớt, không tập trung, khó khăn cho việc thu hái. Nếu được giao cho người dân quản lý, hướng dẫn cách bảo vệ và khai thác, mở rộng thêm diện tích, sẽ giúp bà con tăng thêm thu nhập, sống bằng nghề rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Màng tang là một cây thuốc quý và cũng là loại cây trồng phủ xanh đất trống đồi trọc thêm nguồn thu nhập cho bà con. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh diện tích cây màng tang trên địa bàn xã Chiềng Khay, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành có cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác và phát triển cây màng tang trong thời gian tới.

 Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới