Nghe giới thiệu tại xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) có hang Có Nọi, Huổi É- với nhiều nhũ đá có hình thù lạ, đẹp còn nguyên vẻ hoang sơ, kỳ bí, đã thôi thúc chúng tôi lên đường khám phá.
Nhũ đá trong hang Có Nọi, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai).
Điểm đến đầu tiên là hang Có Nọi, nằm ở chân núi đá vôi thuộc địa phận bản Có Nọi, nhìn từ xa, toàn bộ cửa hang được bao phủ một màu xanh của cây rừng. Phía trên hang, rễ cây cổ thụ vươn dài, bám chặt vào vách đá tạo nên nét nguyên sơ, bí ẩn. Đồng hành với chúng tôi, ông Lường Văn Thểnh, Trưởng bản Có Nọi vừa nói: Đây là một quần thể gồm 1 hang lớn và có các ngách nhỏ rẽ về nhiều hướng, chiều dài của hang chính hơn 1km, chiều cao tính từ vòm hang xuống mặt đất khoảng 20m.
Quả thực, đi hơn 100m, qua một khe đá hẹp, trước mắt chúng tôi là tác phẩm nghệ thuật kỳ thú với những nhũ đá rủ xuống tạo nên hình thù sinh động, lạ mắt đã trải qua hàng triệu năm được thiên nhiên dày công gọt dũa. Hai bên vách, những lớp nhũ màu trắng trông như những tảng băng đan xen nhau, xếp tầng tầng, lớp lớp lộng lẫy. Trần hang cũng được phủ bằng một lớp nhũ đá trắng lóng lánh với vô số măng đá óng mượt tạo thành những họa tiết đẹp mắt làm thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú của người xem. Đặc biệt, từ trần hang, nhiều măng đá cần mẫn nhỏ những giọt nước tinh khiết kiến tạo nên những thạch nhũ mới, tạo nên âm thanh tí tách làm cho không gian thêm phần huyền ảo, kì bí. Càng đi vào trong hang, cảnh vật càng nguyên sơ và đẹp kỳ lạ, những khối nhũ đá cao chừng 2 m, phải 3 người ôm mới xuể, các đụn đá, măng đá với phong phú các hình dạng khác nhau như: con voi, quả na, mâm xôi, cây đa cổ thụ tán lá sum suê, có chỗ lại giống như thác nước chảy... Nền hang trải dài theo triền dốc, chia thành thớ thoai thoải như ruộng bậc thang, chứa hàng vạn viên bi nhỏ kích cỡ khác nhau, tạo nên tiếng lạo xạo khi giẫm chân lên chúng.
Sau hơn 1 giờ khám phá hang, chúng tôi rời hang Có Nọi sang hang Huổi É, bản Nậm Ngùa, thuộc dãy núi “Đán Hươu - Nàng Khóc”. Hang Huổi É có địa hình phức tạp hơn hang Có Nọi, lối đi bị chia cắt bởi những tảng đá lớn, phù hợp với những du khách ưa leo núi, thích mạo hiểm. Qua tìm hiểu, được biết: Chiều sâu tính từ cửa hang được phát hiện dài khoảng 1.500m, nhưng vẫn chưa biết chính xác độ dài của hang do chưa được khám phá hết. Đúng với cái tên Huổi É (theo tiếng Thái là hang dơi), phải đến trăm tổ dơi bám vào vách hang; bị đánh thức bởi ánh sáng của đèn pin, đàn dơi bay náo loạn khắp hang. Ngoài những vườn nhũ đá óng ánh, liên tiếp nhau, hình thù phong phú vẫn giữ nét hoang sơ, đặc biệt hơn, ở trong hang có dòng suối Nậm Ngùa trong vắt chảy qua, dưới đáy là thảm rêu xanh mượt, mặt nước phẳng lặng như một tấm gương lớn phản chiếu lên vách hang, kết hợp với ánh sáng đèn pin tạo nên hình ảnh lung linh, huyền ảo. Vào mùa mưa, khi nước dâng lên, cá từ ngoài vào trong hang, chỉ cần chờ đến khi nước rút, vào hang sẽ bắt được nhiều cá. Hang Huổi É tuy không rộng nhưng sâu thăm thẳm, tiến vào sâu trong hang, như lạc vào mê cung của vô vàn thạch nhũ huyền bí.
Để tiện cho du khách đến tham quan, xã Chiềng Khay đang làm con đường rải nhựa từ trung tâm xã tới gần cửa hang. Xã cũng đã tiến hành khảo sát hang Có Nọi và Huổi É với mong muốn phát triển du lịch khám phá. Đây cũng là một trong những hướng phát triển mà Quỳnh Nhai đang hướng tới để từng bước khai thác các tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các loại hình du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong tương lai.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!