Những năm qua, nhằm khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển các ngành nghề, như đóng tàu thuyền, đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng, du lịch sinh thái... thông qua đó, mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Khu du lịch đảo Trái Tim, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 10 xưởng đóng tàu thuyền ở các xã ven lòng hồ thủy điện, như: Mường Giàng, Chiềng Bằng, Chiềng Khoang, Cà Nàng, Pá Ma Pha Khinh và Mường Chiên, chủ yếu phục vụ nhu cầu sữa chữa, đóng mới tàu thuyền cho nhân dân trên địa bàn. Chúng tôi đến xưởng đóng tàu Sơn Thu, bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, một trong những xưởng đóng tàu thuyền đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai, được ông Vũ Đình Sơn, chủ cơ sở cho hay, ngay từ khi thủy điện Sơn La đóng đập, ông đã mở xưởng đóng tàu thuyền để phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Trước đây, trung bình mỗi năm cơ sở đóng mới từ 400 - 500 chiếc thuyền máy; còn từ năm 2015 đến nay, do thị trường đã ổn định, nhu cầu đóng mới ít hơn, nên mỗi tháng chỉ đóng 5 - 7 chiếc; bây giờ chủ yếu là sửa chữa tàu thuyền. Việc mở xưởng đóng và sửa chữa tàu thuyền không những giúp gia đình có thu nhập khá mà còn tạo việc làm cho 5 công nhân là người dân địa phương.
Cùng với nghề đóng tàu thuyền, nghề nuôi cá lồng ở Quỳnh Nhai cũng phát triển khá mạnh, với 6.817 lồng cá, 46 HTX hoạt động lĩnh vực thủy sản (7 HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP), sản lượng bình quân trên 2.000 tấn cá các loại/năm. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng lòng hồ, Quỳnh Nhai khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch sinh thái; tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ thủy sản, hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh; giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các lễ hội truyền thống của huyện, như Lễ hội đua thuyền đầu xuân mới, Lễ hội gội đầu... định hướng phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng lòng hồ.
HTX Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai là một trong những HTX đi đầu trong việc phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ, anh Là Văn Phong, Giám đốc HTX chia sẻ: Chúng tôi hiện có 3 tàu du lịch đưa khách tới các điểm tham quan, bình quân mỗi năm thu hút 1 vạn lượt khách. Việc phát triển du lịch lòng hồ không những quảng bá văn hóa, phong tục độc đáo, ẩm thực riêng có của đồng bào các dân tộc địa phương, thương hiệu cá sông Đà, mà còn tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La còn hạn chế, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, an toàn; chưa gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thị trường.
Ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Để khắc phục những hạn chế trên, Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao, như cá lăng, cá tầm; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, thu hút doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, đỡ đầu các HTX nuôi trồng, đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm thủy sản vùng lòng hồ, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!