Hiệu quả y tế bản trong cộng đồng

Với mạng lưới nhân viên y tế rộng khắp ở các bản vùng sâu, vùng cao, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng của huyện Quỳnh Nhai đã có bước chuyển biến tích cực; đời sống của người dân được nâng cao nhờ được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại nơi mình sinh sống.

Nhân viên y tế bản Chạ, xã Chiềng Bằng tuyên truyền công tác KHHGĐ cho phụ nữ trên địa bàn.

Ông Lò Văn Khiêm, là nhân viên y tế bản Nà Hoi, xã Chiềng Khoang, có 11 năm kinh nghiệm, chia sẻ: Công việc của nhân viên y tế bản ở vùng sâu, vùng xa vất vả lắm. Để đến được nhà dân tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, tôi phải đi từ sáng, tới trưa mới đến. Thậm chí vào mùa đi nương, người dân không có ở nhà, phải đi lại rất nhiều lần mới gặp. Nếu như trước đây khi mắc bệnh, người dân trong bản thường tìm đến thầy mo, bà mế để cúng bái, thì nhiều năm nay đã đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Tôi rất vui khi nhìn người dân đã dần tự biết cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, biết thế nào là vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...

Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai có 186 nhân viên y tế và 8 cô đỡ thôn bản, làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 196 bản. Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao và còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu... Do đó, mạng lưới nhân viên y tế bản đóng vai trò là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, mạng lưới này còn góp phần cùng trạm y tế xã thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế cộng đồng. Họ là tuyến đầu trong việc  phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch bệnh ở cơ sở. Từ đó, các trạm y tế xã dễ dàng sàng lọc các bệnh lý để điều trị, giảm thiểu tình trạng vượt tuyến khi không cần thiết. Năm 2018, đội ngũ nhân viên y tế bản trên địa bàn huyện đã góp phần thực hiện tổng số lần khám bệnh toàn huyện lên 49.500 lượt người, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ phụ nữ được khám thai ít nhất 3 lần thời kỳ mang thai đạt trên 75%, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đạt trên 86%, tỷ lệ đẻ có nhân viên y tế đỡ đạt trên 90%...

Chị Lò Thị Tiệp (24 tuổi), cô đỡ tại bản Chạ, xã Chiềng Bằng, cho biết: Trong 4 năm đảm nhận công việc, tôi đã đỡ đẻ cho hơn 40 phụ nữ không kịp đến cơ sở y tế. So với trước đây, tỷ lệ sinh con tại nhà vẫn còn, nhưng đã có giảm nhiều, chủ yếu ở vùng có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, hạn chế khả năng tiếp cận với cơ sở y tế. Hiện nay, các chị em thường xuyên được tư vấn về sức khỏe sinh sản, nên đa phần đã có ý thức chủ động đến cơ sở y tế đăng ký khám thai, sinh con tại trạm và chú ý hơn đến việc tiêm phòng cho mẹ, tiêm chủng cho con sau khi sinh.

Thực tế cho thấy, với mạng lưới nhân viên y tế rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã có những bước thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới y tế bản vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là phụ cấp cho nhân viên y tế bản chưa thực sự tương xứng với công việc và địa bàn miền núi, giao thông đi lại khó khăn. Xác định nhân viên y tế bản chính là cánh tay nối dài trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với chính quyền địa phương từng bước thực hiện lồng ghép cho nhân viên y tế bản kiêm nhiệm thêm một số công việc như cô đỡ bản, cộng tác viên dân số để có thể nâng cao thu nhập.

Thiết nghĩ, để đội ngũ nhân viên y tế bản thực sự yên tâm công tác, cần có những điều chỉnh về chính sách phù hợp, nhằm động viên, khuyến khích kịp thời, góp phần đáp ứng tốt các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.