Nà Mạc là một trong những bản vùng sâu của xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai). Nơi đây có diện tích rừng lớn với giá trị lâm sản còn nhiều. Đa phần các hộ trong bản đều lao động và sinh sống gần rừng, nên nguy cơ gây ảnh hưởng tới rừng khá cao...
Cán bộ kiểm lâm huyện và bản Nà Mạc họp triển khai công tác PCCCR tại bản.
Tuy nhiên, trong gần 16 năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhất là việc giao đất giao rừng cho các tổ chức đoàn thể và hộ gia đình quản lý, bảo vệ, diện tích rừng của bản đều tăng, không có tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định và không có cháy rừng...
Trước khi đến Nà Mạc, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai. Thông tin đầu tiên tiếp nhận được là trong mấy năm gần đây tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép tại địa bàn huyện, nhất là tại các xã trọng điểm đã giảm đáng kể, không còn các vụ vi phạm lớn như trước. Có rất nhiều xóm, bản đã duy trì tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, có những bản duy trì từ 10 năm đến hơn 20 năm không để xảy ra cháy rừng. Rừng tại các cơ sở đã được chăm sóc, bảo vệ hiệu quả, nhân dân đã ý thức được về những lợi ích khi bảo vệ rừng cũng như trách nhiệm trong việc giữ rừng. Trong số những xóm, bản làm tốt công tác này có bản Nà Mạc. Đây là một bản không chỉ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn tiêu biểu trong phong trào trồng rừng...
Vượt gần 40 km từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai về xã Mường Giôn, chúng tôi có mặt tại bản Nà Mạc. Khung cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt là những cánh rừng phòng hộ xanh mướt. Đứng từ xa đã nhìn thấy những thân cây to như những hàng cột điện trong những cánh rừng. Thi thoảng có những khu rừng thông do nhân dân trong bản trồng từ 2 năm đến 10 năm mọc thẳng tắp nơi lưng chừng hay dưới những chân núi. Đưa chúng tôi lên một quả đồi ngay cuối bản, ông Lò Văn Thanh, Trưởng bản Nà Mạc, khoe: Hiện, bản có hơn 600 ha rừng phòng hộ, giá trị lâm sản còn rất nhiều. Riêng khu vực này là rừng sản xuất, rộng 11,7 ha, trước đây là đồi trọc và lau lách, giờ đã được phủ xanh bằng thông mã vỹ. Khi thông lớn, bà con sẽ được hưởng lợi từ chính diện tích rừng trồng này. Từ năm 2002 đến nay, sau khi rừng được giao cho các hộ, tổ chức đoàn thể, diện tích rừng trong bản tăng hằng năm, các hộ tích cực tham gia đăng ký trồng rừng. Quan trọng nhất là bản không còn tình trạng phá rừng, cháy rừng. Như năm nay, các hộ trong bản đã đăng ký trồng trên 28 ha rừng sản xuất...
Rừng ở bản Nà Mạc được giao cho 21 hộ trong bản và các tổ chức đoàn thể quản lý, bảo vệ. Hằng năm, các chủ rừng được chi trả tiền quản lý, bảo vệ từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để nắm bắt kịp thời tình hình tại địa bàn, bản đã thành lập Tổ bảo vệ rừng, mỗi tuần đi kiểm tra rừng một lần. Đồng thời, hằng tháng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền kết hợp với kiểm tra từng khu vực có rừng trong bản, nhất là những nơi còn nhiều giá trị lâm sản quý. Cùng với đó, bản còn tổ chức ký cam kết với từng hộ trong bản, nếu hộ nào vi phạm, ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, cuối năm bản sẽ gắn với việc đánh giá thi đua đối với các hộ. Ngoài ra, bản còn có nội quy riêng với những quy định cụ thể xử lý vi phạm đối với từng hành vi gây ảnh hưởng tới rừng, như: Vào rừng lấy măng nứa sẽ bồi thường 5.000 đồng/cây măng; măng bương là 20.000 đồng/cây. Đối với các hộ ở trong rừng cộng đồng và gần rừng, chỉ cho phép sử dụng 20 m xung quanh nhà để trồng cây, làm vườn. Đối với các hộ có nhu cầu sửa chữa nhà thì phải báo với bản. Sau đó, bản sẽ báo với xã và cơ quan chuyên môn xem xét. Sau khi tổ chức xuống kiểm tra thực tế mới quyết định cho khai thác gỗ với sự giám sát của bản, kiểm lâm địa bàn và gỗ sẽ tính 600.000 đồng/m3... Ông Lò Văn Châư, Bí thư Chi bộ bản Nà Mạc, cho biết: Từ năm 2002 đến nay, mặc dù có nội quy cụ thể về xử lý vi phạm về rừng nhưng bản chưa phải xử lý một cá nhân, hộ nào. Bà con trong bản đã thấy rõ lợi ích của việc bảo vệ và trồng rừng. Như Chi bộ bản hằng năm đều có nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng; giao cụ thể và gắn trách nhiệm cho 12 đảng viên phụ trách từng nhóm hộ, từng khu vực có rừng. Nếu đảng viên nào để nơi mình phụ trách xảy ra phá rừng, cháy rừng sẽ đánh vào thi đua cuối năm và cũng sẽ phê bình công khai trước bản...
Từ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Nà Mạc là một trong những cơ sở đã giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Những kết quả mà Nà Mạc đạt được chính là kinh nghiệm quý để một số cơ sở trong tỉnh còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng học và làm theo...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!