Giữ gìn điệu múa Tăng bu

Múa Tăng bu là loại hình văn hóa nghệ thuật được đồng bào dân tộc Kháng ở xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) lưu giữ, truyền thụ qua các thế hệ và trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân.

 

Đội văn nghệ bản Hát Củ luyện tập điệu múa Tăng bu.

Bà Lò Thị Phaứ (nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn), là người am hiểu về phong tục của đồng bào dân tộc Kháng, chia sẻ: Điệu múa Tăng bu của người Kháng có từ rất lâu đời, điệu múa thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, các điệu múa liên quan với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa. Trước đây, điệu múa Tăng bu chỉ được biểu diễn trong Lễ hội Xe Pang ả (Lễ hội riêng của người Kháng) được tổ chức một năm lần vào khoảng từ tháng 9, tháng 10 hằng năm, sau khi người dân thu hoạch xong nương rẫy, được thầy cúng (Pa ả) là những trí thức dân gian, có uy tín, được dân bản tin và làm theo với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật và những người được Pa ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn. Đồng thời, để Pa ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi, không hay ốm đau, làm ăn phát tài. Lễ hội thường được tổ chức ngay tại nhà thầy cúng. Lễ hội Xe Pang ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy và “Tăng bu” chính là điệu múa được mô phỏng động tác chọc lỗ, tra hạt trong lao động sản xuất của người Kháng trước kia.

Trong điệu múa Tăng bu không thể thiếu “cây Tăng bu” được làm bằng một đoạn thân cây nứa, dài khoảng từ 1 m - 1,5 m, khi múa mọi người nối nhau thành một vòng tròn, trên tay cầm cây Tăng bu dùng đầu ống đập mạnh vào mảnh gỗ đặt dưới sàn nhà tạo nên âm thanh hòa cùng nhịp điệu tiếng trống, tiếng chiêng. Dàn âm thanh này phải luôn được giữ nhịp đều, những người tham gia múa vừa tạo ra âm thanh, vừa bước uyển chuyển theo nhịp điệu. Sau mấy vòng múa lại xoay chiều di chuyển một lần, cứ như thế vòng múa Tăng bu tạo cho người tham ra một cảm giác đoàn kết, vui vẻ. Đây là điệu múa thu hút được rất nhiều người tham gia, nhất là các thanh niên nam, nữ, họ rủ nhau từ các làng bản khác cùng về đây tham gia múa cùng dân bản, vừa múa, vừa uống rượu cần; cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả. Đặc biệt, qua điệu múa này, nhiều thanh niên đã tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng.

Đội văn nghệ bản Hát Củ luôn tiên phong trong việc giữ gìn điệu múa Tăng bu của người Kháng trong xã. Chị Là Thị Toán, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Hát Củ chia sẻ: Đội múa của bản hiện có 10 thành viên thường xuyên luyện tập và biểu diễn tại ngày trọng đại của bản, ở các cuộc thi, buổi giao lưu văn nghệ của xã. Bây giờ, điệu múa được dàn dựng theo nhiều bài múa mới với chủ đề ca ngợi tình yêu đôi lứa, quê hương đổi mới, mừng xuân... Tôi đã cùng với các thành viên trong đội múa truyền dạy cho nhiều bạn trẻ để ngày càng có nhiều người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm, động viên, hỗ trợ, có chính sách bảo tồn điệu múa Tăng bu của đồng bào dân tộc Kháng.

Những động tác uyển chuyển, sự khéo léo, mềm mại của đôi tay được những phụ nữ dân tộc Kháng kết hợp nhịp nhàng cùng cây Tăng bu, cộng với âm hưởng lúc trầm, lúc bổng của tiếng trống khiến chúng tôi lưu luyến mãi khi ra về. Mong rằng, điệu múa Tăng bu sẽ được lưu giữ và phát triển, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng biệt của đồng bào dân tộc Kháng nơi đây.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới