Độc đáo Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng

Là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời tại huyện Quỳnh Nhai, đồng bào dân tộc Kháng có nhiều lễ hội truyền thống, mang đậm sắc màu tín ngưỡng đặc trưng, như lễ hội Xên Pang Ả, lễ Mừng cơm mới, đặc biệt, Lễ hội rượu cần là nét văn hóa mang dấu ấn riêng của dân tộc Kháng.

 

Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng được phục dựng, tái hiện

tại Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai 2018.

 

Không ai còn nhớ rượu cần có từ bao giờ, nhưng trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Kháng thì vò rượu cần không thể thiếu khi nhà có khách đến thăm, hay mỗi dịp vui chơi, lễ tết của bản. Và cũng từ xa xưa, Lễ hội rượu cần được đồng bào người Kháng tổ chức hàng năm, vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, với ý nghĩa cầu mong một năm mới mọi người mạnh khỏe, đoàn kết, mọi gia đình đều có cái ăn, cái mặc, bản làng no ấm, trù phú. Nói về những nét độc đáo của Lễ hội rượu cần, nghệ nhân Lò Thị Phứa, người Kháng ở bản Hát Củ, xã Chiềng Ơn, cho biết: Lễ hội rượu cần là một nét văn hóa của dân tộc Kháng, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, chúc cho mọi người có sức khỏe, làm ăn phát tài. Dân tộc Kháng ngày xưa không uống rượu chai mà chỉ uống rượu cần, vậy nên bà con tổ chức lễ hội uống rượu cần và múa vòng quanh chum rượu cần để thể hiện bản sắc của dân tộc từ xa xưa để lại

Khác với lễ hội Xên Pang Ả, Lễ hội rượu cần chỉ có duy nhất phần hội chứ không có phần lễ cúng. Trên một khoảng đất rộng bằng phẳng, người ta đặt một cây nêu, bên trên trang trí nhiều đồ vật như: Dải hoa vải, trống chỉ, quả còn, con ve, chim cu, hoa ban, hoa mạ... xung quanh cây nêu là 3 vò rượu cần lớn và một chum nước sạch. Bắt đầu Lễ hội, những người phụ nữ trong trang phục truyền thống của dân tộc Kháng sẽ cầm những chiếc gậy tre dài khoảng 1,2m, đập xuống đất theo nhịp 3-3, đồng thời, múa điệu Tăng Bu xung quanh những vò rượu. Tiếp đó, 3 người đàn ông sẽ đến múc nước từ chum vào vò rượu cần bằng một chiếc sừng trâu nhỏ mời khán giả đứng xem quanh đó uống rượu chung vui. Theo phong tục của đồng bào Kháng, mỗi người khách khi được mời rượu sẽ phải uống tối thiểu 2 “sừng”, tức 2 lần đổ nước từ chiếc sừng trâu rồi mới được đứng dậy. Điều này thể hiện tính hiếu khách của gia chủ, ngược lại, nếu những người khách không uống hết rượu sẽ bị coi là không tôn trọng người mời.

Tuy là một hoạt động truyền thống đã có từ lâu đời, nhưng Lễ hội rượu cần của người Kháng đang có nguy cơ mai một, bởi thế hệ trẻ trong cộng đồng người Kháng ít quan tâm đến giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Vừa qua, tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Quỳnh Nhai năm 2018, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Kháng tại xã Chiềng Ơn tổ chức phục dựng, tái hiện lại Lễ hội rượu cần, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Kháng. Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Việc tổ chức phục dựng, tái hiện lại Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa của các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đến đông đảo du khách gần xa, góp phần thu hút khách du lịch. Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tăng cường giáo dục truyền thống về giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ, để họ nhận thức được giá trị nhân văn về văn hóa của cộng đồng dân tộc.

Trong kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng người Kháng huyện Quỳnh Nhai, Lễ hội rượu cần là một phong tục tín ngưỡng khẳng định bản sắc và dấu ấn riêng. Vì thế, vào mỗi dịp đầu năm mới, khách du lịch về mảnh đất Quỳnh Nhai, hãy ghé thăm xã Chiềng Ơn để tham dự và tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của dân tộc Kháng nơi đây.

Hoàng Giang (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới