Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở Quỳnh Nhai

Quỳnh Nhai là huyện trọng điểm trong thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, sau tích nước lòng hồ thủy điện, nhiều diện tích sản xuất không còn, đất sản xuất ít, nhiều lao động nhàn rỗi. Chính vì vậy, nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm của người dân rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, huyện Quỳnh Nhai luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, trong đó có Công ty cổ phần Dệt may Sơn La.

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Dệt may Sơn La.

 

Chúng tôi đến Công ty cổ phần Dệt may Sơn La đúng ngày phát tháng lương đầu tiên, được chứng kiến niềm vui của những người nông dân nay đã thành công nhân. Không vui sao được, vì cách đây không lâu, họ còn là những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nay đã trở thành công nhân với mức thu nhập ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Chị Lò Thị Tươi, xóm 7, xã Mường Giàng phấn khởi: Trước đây, làm nông nghiệp chỉ quen với cây lúa, cây ngô, được sự chỉ bảo tận tình của đội ngũ giáo viên là những thợ giỏi của Công ty cổ phần Dệt may Sơn La, sau 3 tháng học nghề tôi đã thành thạo những đường may công nghiệp.  Tháng 7 vừa rồi, tôi được Công ty ký hợp đồng thử việc, qua một tháng được nhận lương 3 triều đồng, tôi mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu để sau khi thử việc được Công ty ký hợp đồng, khi đó sẽ được đóng bảo hiểm nữa. 

Được biết, niềm vui đó không riêng chị Tươi mà còn của gần 300 lao động nông thôn của huyện Quỳnh Nhai được đào tạo chuyển đổi nghề gắn với việc làm tại Công ty cổ phần Dệt may Sơn La. Trước khi đầu tư tại huyện Quỳnh Nhai, Công ty đã tiến hành khảo sát trên địa bàn huyện và nhận thấy có nhiều lao động cần việc làm, cùng với sự hỗ trợ tạo điều kiện của huyện, Công ty bắt tay vào đầu tư cơ sở vật chất, máy móc và khai giảng khóa may công nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai từ ngày 15/4/2017. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 133/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp trên địa bàn, Công ty đã được hỗ trợ mở 13 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 445 lao động nông thôn trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, sau 3 tháng học nghề, gần 300 lao động đã bước vào sản suất trực tiếp tại Công ty, số còn lại được Công ty cử đi học nâng cao tay nghề tại các công ty may liên kết với Công ty cổ phần Dệt may Sơn La trong cả nước, để khi mở rộng sản xuất, sẽ đưa về làm việc. Hiện, Công ty đang tiếp tục mở 2 lớp học nghề cho 70 học viên.

Đưa chúng tôi đi thăm xưởng may, ông Phùng Đức Huấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Sơn La khoe: Phụ nữ dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai rất khéo léo và chăm chỉ, bởi vậy, sau khi học nghề đi vào sản xuất đã thành thạo với công việc. Nếu như những ngày đầu mới làm, chị em mới làm 5-6 sản phẩm thì hiện nay đã làm được từ 30-40 sản phẩm. Để hỗ trợ công nhân trong thời gian thử việc, Công ty đã hỗ trợ thêm 25 nghìn đồng/ngày công và 30 nghìn đồng ăn trưa/ngày, hiện nay mức thu nhập của công nhân trung bình từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Chắc chắn sau thời gian thử việc, mức thu nhập của công nhân sẽ tiếp tục tăng lên trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, sau khi nhận đất của huyện, Công ty sẽ tập trung xây dựng xưởng may, quyết tâm hoàn thành vào tháng 2/2018, khi đó tiếp tục cần thêm khoảng 700 lao động.

Hình thức đào tạo nghề và trực tiếp tuyển dụng lao động tại chỗ của Công ty Dệt may Sơn La không mới, nhưng được đánh giá là hiệu quả, nhất là đối với người dân vùng tái định cư Quỳnh Nhai. Bởi việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sẽ giúp người lao động sớm có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới