Cần đẩy lùi tảo hôn ở Quỳnh Nhai

Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn. Tuy nhiên, qua thực tế vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ tảo hôn ở một số xã chưa có dấu hiệu giảm, dẫn

 

Cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) tuyên truyền về công tác dân số cho người dân.

 

đến nhiều hệ lụy như suy giảm giống nòi, bệnh tật, nghèo đói...Thực trạng và nguyên nhân

 

Ông Hồ Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Quỳnh Nhai là địa phương đứng thứ 3 trong toàn tỉnh về tỷ lệ tảo hôn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 250 đợt tuyên truyền về tác hại của tảo hôn cho gần 3.000 đối tượng trong độ tuổi vị thành niên; công tác truyền thông được phối hợp triển khai toàn diện tại 3 xã trọng điểm là Chiềng Khoang, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng và Trường PTDT nội trú huyện, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Tuy nhiên, do huyện có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt, dân cư không tập trung. Trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Một số thanh, thiếu niên thiếu hiểu biết, quan hệ tình dục sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn; một số khác có hành vi đua đòi, bỏ học và lập gia đình sớm; không ít hộ có tư tưởng cho con lập gia đình sớm để có thêm lao động... nên đã xảy ra tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, tảo hôn còn xảy ra hầu hết ở các xã, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Hậu quả tất yếu là những hệ lụy đáng buồn, những đôi vợ chồng đang ở độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, không có kiến thức nuôi dạy con cái đã phải làm bố, làm mẹ; trẻ sinh ra rất dễ mắc các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, kém phát triển về thể chất, trí tuệ... ảnh hưởng tới chất lượng dân số và kéo theo các vấn đề xã hội khác.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”?

 

Theo báo cáo của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Quỳnh Nhai, 6 tháng đầu năm, toàn huyện có 29 cặp tảo hôn, chiếm 16%, giảm 7 cặp so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm hiểu thực tế ở một số địa bàn: Chiềng Khay, Chiềng Bằng, Mường Giôn thì số liệu báo cáo nêu trên, có lẽ cần phải xem lại.

Nói về nạn tảo hôn trên địa bàn, ông Lò Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay khẳng định: Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ tảo hôn đã xuống mức thấp nhất, toàn xã chỉ có 2 cặp. Để chứng minh, ông Toản phân công ông Lò Văn Thịnh, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã đưa chúng tôi đi tìm hiểu thực tế tại bản Lọng Úa. Trò chuyện với một số học sinh lớp 8, chúng tôi nắm được thông tin có 4 em đã lấy vợ, lấy chồng. Tuy nhiên, ông Thịnh đã chen vào câu chuyện, khẳng định bản không có cặp tảo hôn nào và ra hiệu đám trẻ không được nói nữa. Chúng tôi quay sang hỏi cộng tác viên của bản thì ông Thịnh lại tiếp tục ra hiệu không cho nói?!

Tại bản Co Hả, xã Chiềng Bằng, Trưởng bản Lường Văn Hin thẳng thắn chia sẻ: Từ năm 2014 đến nay bản có 3 cặp tảo hôn, lấy chồng khi mới lớp 8, lớp 9. Các gia đình cho con lập gia đình, khi đủ tuổi mới đi đăng ký kết hôn. Theo hương ước của bản, những cặp tảo hôn bị phạt 1 triệu đồng, nhưng họ vẫn chấp nhận nộp phạt. Đến thăm gia đình anh Lường Văn Piếng, sinh năm 1979 ở bản Co Hả, lấy vợ từ năm 17 tuổi, nhà nghèo, có tới 4 con, không có tiền cho con đi học nên đầu năm 2016, anh đã cho con gái Lường Thị Thuận bỏ học lớp 10 để lấy chồng khi đang ở tuổi 17. Là người cùng bản và cùng tuổi với anh Piếng, anh Lường Văn Hoa, có 5 con, trong khi con út còn bế ẵm, đứa thứ ba sinh năm 2000 đã lấy chồng năm 2015 khi đang học dở lớp 9.

Đem câu chuyện tảo hôn ở bản Co Hả trao đổi với ông Là Văn Việt, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Chiềng Bằng, thì ông Việt bất ngờ trước con số chúng tôi đưa ra, bởi trước đó ông khẳng định trong danh sách 14 cặp tảo hôn của xã từ năm 2015 đến nay không có cặp nào ở bản Co Hả. Giải thích về vấn đề này, ông Việt cho hay: Mọi thông tin về dân số đều phụ thuộc vào đội ngũ cộng tác viên ở các bản, khi có thông báo mới đi kiểm tra lấy số liệu, gặp gỡ đối tượng để tuyên truyền vận động, chứ không kiểm tra thông tin qua các trưởng bản.

Ghi nhận tại xã Mường Giôn cũng có sự chênh lệch số liệu tảo hôn giữa sổ sách với thực tế. Tại bản Ta Lăm, ông Lò Văn Bốn, có con trai là Lò Văn Hóa, sinh năm 1998, đã bỏ học lấy vợ năm 2015; nhưng ông Mè Văn Quyết, cán bộ phụ trách công tác dân số xã Mường Giôn lại nói Ta Lăm không có trường hợp tảo hôn nào từ năm 2015 đến nay.

Mới nắm bắt thực tế ở 3/11 xã của huyện Quỳnh Nhai đã thấy giữa báo cáo, sổ sách và thực tế có sự khác nhau. Phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” phải chăng còn có vấn đề khi triển khai thực tế ở địa bàn huyện Quỳnh Nhai?!

Giải pháp giảm thiểu tảo hôn

 

Mặc dù các cấp, các ngành của Quỳnh Nhai đã vào cuộc, nhưng trong công tác triển khai, thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, còn có hiện tượng tắc trách, giảm số liệu thống kê. Để ngăn chặn, giảm thiểu tảo hôn trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể huyện Quỳnh Nhai cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động rộng rãi, giúp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức về những hệ lụy của nạn tảo hôn; tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân trong việc xóa bỏ các tập quán lạc hậu. Thực hiện đúng phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kịp thời trợ giúp, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với đó, triển khai tốt các chính sách hỗ trợ cho trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường; hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tảo hôn và nâng cao chất lượng dân số của toàn xã hội.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới