Đến với huyện Quỳnh Nhai, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên, mà còn được khám phá nét văn hóa ẩm thực đặc sắc nơi đây. Nhiều món ăn của người dân bản địa mang hương vị đặc trưng, riêng có của vùng núi rừng Tây Bắc, trong đó có món cá tép dầu khô, một sản phẩm của địa phương được nhiều người ưa chuộng.
Sản phẩm cá tép dầu của HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai được khách hàng lựa chọn.
Vùng hồ thủy điện Sơn La mang lại nguồn thủy sản rất phong phú, trong đó, cá tép dầu là sản phẩm được người dân khai thác, đánh bắt với số lượng lớn. Những năm gần đây, nghề làm tép dầu khô phát triển, giúp tăng thêm thu nhập cho bà con nơi đây. Cá tép dầu không lớn, chỉ khoảng từ 2 đến 3 đầu ngón tay; mùa cá tép dầu (khoảng từ tháng 1 đến tháng 4), lượng cá đánh bắt được nhiều, người dân bảo quản theo cách làm sạch, tẩm ướp gia vị và đem phơi khô.
Anh Là Văn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản và Du lịch Quỳnh Nhai cho biết: Từ tháng 1/2017, HTX tiến hành thu mua và chế biến cá tép dầu, đây là loại cá sạch có rất nhiều ở vùng lòng hồ trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Để chế biến, cá phải đảm bảo tươi, được làm sạch, tẩm ướp gia vị, rồi phơi hai nắng... Sản phẩm tuy mới nhưng được nhiều khách hàng ưu chuộng. HTX đã tiến hành phân phối và bán lẻ cá tép dầu cho nhiều tỉnh khu vực phía Bắc với số lượng hơn 800 kg, giá bán 200.000 nghìn đồng/1 kg, đã mang lại nguồn thu đáng kể, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 2 lái thuyền và 5 công nhân sơ chế cá tép dầu...
Cuối tháng 5-2017, HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai mang 25kg cá tép dầu khô về Hà Nội giới thiệu và bán sản phẩm. Lần đầu tiên ra mắt thị trường Thủ đô, số cá này được bán hết chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ. Hầu hết khách hàng lạ lẫm với món cá này, nhưng đều hào hứng mua 1-2 gói cá, bởi sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, không chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Lò Văn Phương, bản Hát Củ, xã Chiềng Ơn chia sẻ: Khi đánh bắt cá, lưới được hạ xuống nước sâu chừng 4 - 5 mét, sử dụng loại mắt lưới không quá bé, có kích cỡ tối thiểu 0,5 cm để không bắt những con cá có kích cỡ bé, duy trì và phát triển nguồn cá trên sông. Trung bình, mỗi ngày tôi bắt được từ 40-50kg cá, có những ngày nhiều được đến 70- 80kg.
Chế biến cá tép dầu khô không khó, cá sau khi mua cá từ thuyền sẽ dùng dao nhỏ, sắc để mổ từ lưng cá, vứt bỏ ruột và đầu, rửa sạch cá, để ráo nước tới đâu ướp gia vị tới đó, bởi tép dầu thân mỏng, khi mổ xong phân hủy rất nhanh. Cá được ướp với ớt tươi, đường, muối, sa tế và gia vị đặc trưng của địa phương, tất cả được ướp, trộn đều trong 15 phút, sau đó đem phơi nắng. Giàn phơi cá được thiết kế bằng tre, tùy thuộc vào thời tiết mà cá có thể phơi từ 2-4 ngày là có được sản phẩm khô cá tép dầu, cứ 5 kg cá tép dầu tươi chế biến được một kg cá tép dầu khô.
Chị Nguyễn Thị Chiên, phường Quyết Tâm (Thành phố), chia sẻ: Mỗi lần đi qua Quỳnh Nhai, tôi đều tìm mua cá tép dầu khô về ăn và làm quà cho gia đình. Cá được đánh bắt trực tiếp ở lòng hồ sông Đà nên rất tươi ngon, người dân địa phương chế biến cá theo cách truyền thống nên giữ được hương vị của cá. Qua giới thiệu, nhiều người bạn của tôi cũng tìm mua cá tép dầu khô ở Quỳnh Nhai để sử dụng.
Đặc sản cá tép dầu khô không chỉ được tiêu thụ ở các chợ của huyện mà còn được tiêu thụ các tỉnh miền xuôi, bước đầu thu được tín hiệu đáng mừng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cũng chính bởi vậy, mức giá luôn duy trì ổn định khoảng 200 ngàn đồng/kg. Đặc sản cá tép dầu khô đã đem lại lợi nhuận kinh tế cho người dân, góp phần làm phong phú đặc sắc ẩm thực vùng cao. Trong những năm tới, huyện Quỳnh Nhai cần quan tâm hơn nữa đến việc đẩy mạnh khai thác, chế biến các sản phẩm từ cá tép dầu, tạo sản phẩm đặc sản mang thương hiệu địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!