Những ngày đầu xuân, trên chiếc thuyền xuôi theo lòng hồ sông Đà mênh mông sóng nước, chúng tôi được nghe câu chuyện làm giàu của ông Lò Văn Khặn, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng và vịt trời cho thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình ông, mà còn giúp nhiều hộ nông dân khó khăn vươn lên thoát nghèo, khiến chúng tôi thật sự ngưỡng mộ, cảm phục.
Ông Lò Văn Khặn chăm sóc cá lồng của gia đình.
Khởi nghiệp từ lòng hồ thủy điện
Để “mục sở thị” mô hình của ông Lò Văn Khặn, chúng tôi đến xã Chiềng Bằng, không mất nhiều thời gian để tìm đường đến nhà ông Khặn, bởi hỏi thăm đến ông bà con cả xã ai cũng biết, đặc biệt, ông còn được bà con gọi vui với biệt danh “Giám đốc chân đất”. Đón chúng tôi, ông Khặn mời xuống thăm khu vực lồng cá của gia đình, ông kể về duyên nghiệp với sông nước Đà giang. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, gia đình ông Khặn cũng giống như hàng nghìn hộ di dân tái định cư khác của huyện Quỳnh Nhai, lúc đầu gặp không ít khó khăn bởi khi tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La, đất sản xuất ít, mà gia đình thì chỉ quen làm ruộng, nương, nay sống giữa sóng nước mênh mông, việc ăn, ở, đi lại... đều phải thay đổi. Kể đến đây giọng ông trầm hẳn, ông Khặn nói: Những ngày đầu tích nước lòng hồ, người dân bơi những chiếc thuyền nhỏ, đi thả lưới bắt cá, tôm trên sông, buổi được, buổi không, cuộc sống khó khăn. Thời điểm ấy, mình cũng lo lắm, bởi mình là trụ cột trong gia đình phải lo cuộc sống cho mọi người, biết làm gì đây? Sau nhiều ngày trăn trở, tôi đi tới quyết định phải vươn lên từ vùng lòng hồ, lòng hồ thủy điện mênh mông này sẽ là nguồn sống, là cơ hội giúp người dân làm giàu. Với số tiền tiết kiệm của gia đình, lúc đầu tôi đầu tư sắm thuyền, chài lưới; tập bơi thuyền và đánh bắt, sau đó tham dự những lớp tập huấn về nuôi cá lồng của Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông huyện Quỳnh Nhai tổ chức và nghiên cứu qua sách, báo...
Và khi cơ hội đến, năm 2010, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và được hỗ trợ các điều kiện nuôi 1 lồng cá rộng 30 m2. Nhờ làm đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tỷ lệ cá sống cao, năng suất cá thu được 3 tạ/lồng, bán thu lãi hơn 50 triệu đồng, lúc ấy cả gia đình ông ai cũng mừng, xác định rằng, đây chính là hướng đi đúng để xóa đói nghèo. Với phương châm, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất, hiện nay, gia đình ông Khặn có tới 114 lồng nuôi nhiều giống cá khác nhau như: trắm, chép, lăng, nheo... sau vài năm nuôi cá, ông nhận thấy diện tích mặt hồ còn rất lớn, phải nuôi thêm thủy cẩm để tăng thu nhập, năm 2015, cơ hội lại đến với gia đình ông Khặn, khi gia đình được hỗ trợ 100 con vịt trời và máy ấp trứng, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vịt lớn rất nhanh. Vừa nuôi, vừa lấy trứng nhân giống, cuối năm đó, đàn vịt trời của gia đình ông lên tới trên 1.000 con. Hiện tại, ông luôn duy trì nuôi 4.000 con vịt thương phẩm, sử dụng máy ấp trứng để bán giống cho bà con trong vùng khoảng 5.000 con giống/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2017, gia đình ông xuất ra thị trường hơn 15 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ nuôi cá, nuôi vịt trời mỗi năm của gia đình ông Khặn thu gần 1 tỷ đồng. Ông chia sẻ: Có được kết quả này chính là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp gia đình tôi và bà con trong bản, xã có cuộc sống tốt hơn từ phát huy lợi thế vùng lòng hồ. Bởi nếu cứ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mãi thì làm sao mà thoát nghèo được...
Với kinh nghiệm nuôi cá lồng, ông Khặn sẵn sàng chia sẻ cho bà con. Bởi vậy, từ thành công của gia đình ông Khặn đã có nhiều bà con trong xã Chiềng Bằng và các xã lân cận đến học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng. Mô hình nuôi cá lồng của ông Lò Văn Khặn được huyện chọn là một trong những mô hình “dân vận khéo” tiêu biểu, có sức lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Quỳnh Nhai có gần 50 HTX thủy sản tham gia nuôi cá với hơn 6.000 lồng.
Chân dung “Giám đốc chân đất” năng động
Bằng khả năng của mình, năm 2015 ông Lò Văn Khặn được các xã viên tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Bằng, khác với hình ảnh những giám đốc quần áo là lượt, bảnh bao “Giám đốc chân đất” Lò Văn Khặn giữ cho mình vẻ giản dị, chất phác, đậm chất nông dân. Chia sẻ với chúng tôi ông Khặn nói: Là nông dân không được học hành nhiều, nhưng khi các xã viên tín nhiệm bầu làm giám đốc mình phải dốc hết sức, hết lòng. Để không phụ lòng tin của các xã viên, tôi đã tự mày mò, nghiên cứu, học tập, cộng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Ban quản trị HTX cùng tìm hướng đi giúp HTX ngày càng phát triển. Theo tôi, để HTX phát triển bền vững phải xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, lựa chọn con giống, các loại cá phù hợp với nhu cầu thị trường, chăm sóc đúng kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn... đặc biệt, là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giữ uy tín đối với khách hàng, nhờ đó sản phẩm cá của HTX luôn được khách hàng ưu chuộng.
Quả thực, tận mắt chứng kiến, “Giám đốc chân đất” Lò Văn Khặn xử lý công việc mới thấy sự thay đổi đáng khâm phục của những người nông dân, từ chỗ là người nông dân đơn thuần đã trở thành giám đốc năng động, nhanh nhạy, từ việc xây dựng phương án sản xuất cho tới lựa chọn giống, chăm sóc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Được biết, HTX thủy sản Chiềng Bằng có 46 thành viên đều là nông dân trong xã, tham gia nuôi gần 1.000 lồng cá. Trong năm, HTX đã bán hơn 200 tấn cá thương phẩm với doanh thu trên 15 tỷ đồng; hiện sản phẩm cá của HTX đã có mặt tại các nhà hàng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Càng vinh dự hơn, khi đầu tháng 2 vừa qua, tại cuộc gặp mặt các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn (đợt 1) năm 2017 toàn tỉnh vừa qua, HTX thủy sản Chiềng Bằng là 1 trong 78 HTX sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh. Trong hướng đi tiếp theo, HTX Thủy sản Chiềng Bằng tiếp tục tập trung phát triển sản xuất lựa chọn những loại cá phù hợp với nhu cầu thị trường; mở rộng thị trường, đảm bảo đầu ra của sản phẩm; nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX...
Càng đáng trân trọng hơn, khi không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Lò Văn Khặn còn nhiệt tình giúp đỡ các thành viên trong HTX, bà con trong bản, xã còn khó khăn về vốn, kỹ thuật... hàng chục hộ được ông giúp đỡ đã vươn lên xóa đói nghèo. Điển hình như gia đình ông Lò Văn Pe, thành viên HTX Thủy sản Chiềng Bằng từ hộ gia đình khó khăn năm 2014 được HTX hỗ trợ vốn để làm 4 lồng cá. Đến nay, gia đình ông Pe phát triển được 15 lồng cá, năm vừa qua thu hơn 3 tấn cá, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng. Ông Pe phấn khởi: Gia đình tôi có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của anh Khặn và anh em trong HTX từ vốn, giống, kỹ thuật chăm sóc... Anh Khặn chính là lá cờ đầu, là động lực để anh em trong HTX, trong xã phấn đấu, học tập và làm theo...
Khi hỏi về “Giám đốc chân đất” Lò Văn Khặn, ông Ngần Văn Đưa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng nói với vẻ mặt đầy tự hào: Là gia đình thuộc diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, nhưng ông Lò Văn Khặn không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà luôn nỗ lực học hỏi, vươn lên trong cuộc sống. Ông là một trong những hộ đầu tiên nuôi thành công cá lồng trên lòng hồ thủy điện, không chỉ làm giàu cho gia đình mà sẵn sàng chia sẻ với người dân trong bản, xã. Bởi vậy, ông được mọi người quý mến, tin tưởng...
Dám nghĩ, dám làm, cộng với ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, ông Lò Văn Khặn đã trở thành tấm gương sáng trong việc phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, vươn lên xóa đói nghèo, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!