“Cánh én” trên đỉnh Khâu Pùm

Đỉnh núi Khâu Pùm, cao 1.823m so với mặt nước biển, đây là biểu tượng kiên cường của các dân tộc xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) trong các cuộc kháng chiến, vững vàng vượt qua khó khăn trong lao động, sản xuất. Người dân nơi đây cũng luôn tự hào về một đảng viên khi còn công tác luôn hết mình trong công việc; nghỉ hưu lại trăn trở, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho các hộ nghèo, khó khăn trong xã, trong bản. Ông là Lò Xuân Hồ, Giám đốc HTX Chiềng Khay xanh.

Ông Lò Xuân Hồ (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật trồng cây sa nhân cho các thành viên của HTX

 

Lãnh đạo nhiệt huyết

Từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, như Chủ tịch UBND xã (2000 - 2010), Bí thư Đảng ủy xã (2010- 2015), Chủ tịch HĐND xã (2011-2016), ông Lò Xuân Hồ được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhưng với ông, niềm vui và tự hào nhất là ông đã cùng với tập thể đóng góp, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển KT-XH, củng cố hệ thống chính trị ở xã, trong đó có việc chỉ đạo thực hiện công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La và vận động đồng bào ở vùng cao xuống nơi ở mới. Ông nhớ lại: Thời điểm đó, Đảng ủy, UBND xã luôn tập trung cao cho công tác tuyên truyền, đầu giờ buổi sáng luôn giành 30 phút để quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, sau đó các tổ xuống cơ sở để vận động các trưởng bản, người dân giao nhận đất; xã đã tiếp nhận 600 hộ tái định cư ở các điểm: Huồi Mắn - Nặm Phung, Nà Mùn, Thẳm Pa - Huổi Lạnh, Ít Ta Bót, Nọng Chạng. Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch và vận động thành công 2 bản vùng cao là Co Que và Khâu Pùm; đây là hai bản dân tộc Mông, mỗi bản cách nhau 4km; bản khó khăn về quỹ đất sản xuất; từ trung tâm xã đến bản phải đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ; chúng tôi đã kiên trì tuyên truyền và đã vận động thành công hơn 80 hộ của 2 bản xuống nơi ở mới để ổn định đời sống, sản xuất cho bà con...

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, Chiềng Khay là xã có địa hình cao nhất so với các xã của huyện Quỳnh Nhai; tách biệt bởi dãy núi Hua Chiên - Hua Chai án ngữ. Nhìn chung, Chiềng Khay là xã có địa hình chia cắt phức tạp, địa bàn rộng nhưng đất sản xuất ít, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường hay xảy ra thiên tai. Nhiệm kỳ đầu tiên giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã (2000-2005), ông đã cùng với tập thể đã chủ động sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có của địa phương, như: Áp dụng giống mới, tăng cường khai hoang ruộng nước, làm thủy lợi... nên diện tích lúa nước tăng từ 61,7 ha (năm 2001) lên 128,6 ha (năm 2005), trong đó ruộng 2 vụ tăng từ 4 ha (năm 2001) lên 46,4 ha (năm 2005). Chăn nuôi được định hướng phát triển gia súc ăn cỏ theo cơ cấu đàn nên tăng nhanh về số lượng; đàn trâu, bò năm 2000 có 1.919 con đã tăng lên 2.211 con năm 2005, trong đó có 75 con bò lai sind; đàn dê từ 836 con năm 2000 đã tăng lên hơn 1.200 con năm 2005, trong đó có 140 con dê bách thảo... Phong trào nuôi cá được phát triển, diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao được áp dụng triển khai, như: diện tích đậu tương từ 15 ha lên 125 ha; diện tích cây lạc, bông, y dĩ đều tăng khá. Diện tích rừng được quy hoạch, khoanh khoán cho các hộ và cộng đồng bản quản lý đã ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng phá rừng làm nương; nhân dân trong xã đã trồng mới được 100 ha rừng; 10/10 bản nhận giao đất, giao rừng với tổng diện tích 5.968,21ha... Những đóng góp của ông đã cùng với tập thể đưa diện mạo của xã Chiềng Khay ngày càng đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao, tạo ra thế và lực mới để đưa Chiềng Khay ngày càng phát triển.

Giám đốc năng động

Năm 2016, được nghỉ hưu, nhận thấy đất đai ở Chiềng Khay có độ chua thấp, độ phì ổn định, đặc biệt là đất trên đồi rất có ưu thế cho phát triển kinh tế đồi rừng. Ông đã thuê 3 khu đồi rộng hơn 42 ha ở bản Pá Bó, thuê 7 lao động thường xuyên, trả công 5 triệu/ tháng để trồng cây sa nhân, cây ăn quả chất lượng cao như lê, bơ, mận hậu, chanh leo (hiện 1,3 ha chanh leo đã cho thu hoạch, năng suất 1,5 tấn/ha; 2 ha sa nhân sẽ cho thu hoạch năm 2018). Đặc biệt, ông nhận thấy trên địa bàn xã có gần 13.000 ha cây màng tang tự nhiên, nên ông đã thành lập HTX Chiềng Khay xanh với 8 thành viên; sang Yên Bái tìm tòi và học hỏi cách chế biến tinh dầu màng tang (đây là loại thảo dược giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, cho giấc ngủ sâu và thư giãn tinh thần); rồi đầu tư xây dựng khu xưởng chế biến; ký hợp đồng với Công ty TNHH hương liệu và gia vị Bạch Cúc (Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) để xuất ra nước ngoài làm hương liệu; trung bình mỗi vụ màng tang thu lãi được 300 triệu đồng. Đến năm 2016, ông tiếp tục tìm tòi và điều chế tinh dầu sả, ông sang tận Tuyên Quang để mua giống sả công nghiệp về hướng dẫn cho các hộ nghèo trong bản trồng  với diện tích hơn 18 ha để cung cấp cho xưởng sản xuất tinh dầu.

Chị Quàng Thị Biên, bản Pá Bó, xã Chiềng Khay, cho biết: Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo trong bản; được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc gần 1 ha sả công nghiệp, chỉ sau 3 tháng trồng đã được thu hoạch, năng suất đạt 8 tấn/ha, 1 năm thu 4 lần, với giá bán 2.000 đồng/kg, mỗi năm nhà tôi thu hơn hơn 40 triệu đồng từ cây sả công nghiệp. Đến mùa quả màng tang chín, hơn 30 hộ nghèo trong bản đều lên rừng hái quả màng tang để bán cho HTX, thu nhập thêm từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày đã giúp cho các nhà có thêm nhiều nguồn thu, con cái được học hành chu đáo, mua sắm được nhiều vật dụng trong nhà.

Nói về ông Lò Xuân Hồ, Bí thư huyện ủy Quỳnh Nhai Bùi Minh Tân cho biết: Đảng bộ đang chú trọng tuyên truyền cho các đảng viên, người có uy tín gương mẫu, đi đầu trong xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả trên đất dốc phù hợp với điều kiện của địa phương để cho bà con học tập, làm theo. Ông Lò Xuân Hồ là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở vùng nông thôn khó khăn, không chỉ làm giàu cho bản thân mà ông còn đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi trong xã, trong bản.

Với sự năng động, sáng tạo, lòng nhiệt huyết làm giàu cho gia đình và quê hương, ông Lò Xuân Hồ đang xây dựng được những mô hình kinh tế phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện địa phương; ông cũng được ví như “cánh én” góp phần mang lại mùa xuân, sự ấm no, hạnh phúc cho các hộ nghèo, khó khăn trong xã, trong bản ở Chiềng Khay.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới