Về Mường Bang Anh hùng

Những ngày tháng 8, chúng tôi về xã Mường Bang, khu căn cứ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Những địa danh như suối Ua, hang Giấc Đảnh, núi Đâng La đã đi vào lịch sử, ghi dấu một thời anh dũng kháng chiến chống Pháp của quân và dân Mường Bang (Phù Yên). Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Mường Bang hôm nay đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo quê hương cách mạng.

Ông Phùng Văn Chưng (người thứ hai từ trái sang), chiến sĩ đội du kích Mường Bang thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ông Cao Lâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Bang, kể lại: Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến năm 1954, Mường Bang là khu căn cứ cách mạng của tỉnh. Ðây là địa bàn rất quan trọng, từ Mường Bang có thể sang huyện Đà Bắc, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chính vì vậy, thực dân Pháp đã tăng cường quân lính và sử dụng chính quyền tay sai do tên Cầm Văn Phúc cầm đầu, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, chúng dùng mọi chính sách áp bức bóc lột hà khắc, tàn bạo hòng dập tắt ý chí chiến đấu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đứng trước muôn vàn khó khăn, thực hiện chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc Mường Bang đã đoàn kết, tập hợp thành các đội tự vệ để chống trả các đợt càn quét của quân Pháp và chính quyền tay sai. Tháng 5/1946, Mặt trận Việt Minh đã cử đồng chí Hà Xuân Đức đến Mường Bang để tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng phong trào cách mạng trong nhân dân, đồng thời thành lập đội du kích Mường Bang với 27 chiến sỹ làm nhiệm vụ liên lạc với chiến khu Việt Bắc và tập kích những đợt hành quân của địch.

Tìm đến những nhân chứng lịch sử, chúng tôi may mắn gặp ông Phùng Văn Chưng, năm nay đã hơn 80 tuổi ở bản Chùng, người từng tham gia đội du kích Mường Bang năm xưa. Cho chúng tôi xem những kỷ vật thời kỳ tham gia kháng chiến chống Pháp được giữ gìn cẩn thận, ông Chưng bồi hồi nhớ lại: Trên núi Đâng La có 5 hang liền kề nhau, được đội du kích Mường Bang dùng làm căn cứ bí mật. Ban ngày, cả đội ở trong hang học chữ, bàn các kế sách xây dựng lực lượng, đánh địch. Ban đêm, đội tỏa đi các nơi để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Trong hơn 8 năm hoạt động, đội du kích Mường Bang đã có nhiều trận đánh ác liệt, gây thiệt hại lớn cho quân Pháp và chính quyền tay sai, điển hình nhất là trận chống địch càn quét ở bản Chùng vào tháng 8-1946. Khi đó, đội du kích do đồng chí Hà Văn Trưởng chỉ huy đã bí mật bố trí phục kích địch ở nơi hiểm yếu, dụ lính Pháp đi vào trận địa rồi đồng loạt nổ súng, bắn nỏ, lăn đá, tiêu diệt 5 tên lính, thu 5 khẩu súng trường, khiến quân Pháp hoảng sợ bỏ chạy. Chiến công đầu tiên ở bản Chùng của đội du kích Mường Bang đã có ý nghĩa lớn, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các dân tộc đứng lên tham gia kháng chiến, giết giặc lập công, giải phóng quê hương. Những năm 1948-1954, khu căn cứ cách mạng Mường Bang đã trở thành điểm tựa để phát triển phong trào cách mạng ra toàn huyện Phù Yên. Các đội vũ trang tuyên truyền, du kích không ngừng trưởng thành về mọi mặt, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2000, Mường Bang được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hơn 7 thập kỷ trôi qua, Mường Bang hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Các công trình điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Các mô hình kinh tế xuất hiện ngày càng đa dạng, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao cuộc sống cho người dân.

Đồng chí Phùng Thị Quang, Bí thư Đảng uỷ xã, cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã luôn nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nay, xã có 250 ha ngô lai, hơn 80 ha lúa nước, 30 ha đậu tương; đàn trâu, bò trên 2.000 con; khoanh nuôi bảo vệ gần 7.000 ha rừng, độ che phủ rừng đạt 73,5%. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự bảo đảm, khối đoàn kết toàn dân được củng cố giữ vững. Các hoạt động văn nghệ, thể thao duy trì thường xuyên, nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%.

Chia tay Mường Bang cùng dãy núi Đâng La hùng vĩ - một vùng đất với những con người anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Phát huy truyền thống cách mạng, Ðảng bộ, và nhân dân Mường Bang đã và đang vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới