Thương mại biên giới - đòn bẩy phát triển kinh tế vùng biên

Tỉnh ta có 250 km đường biên giới với nước bạn Lào. Từ lâu đời, cư dân hai bên biên giới đã có các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới giữa 2 nước ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Gian hàng của tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) tại Hội chợ quốc tế vùng Tây Bắc - Sơn La năm 2016.

 

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Thương mại biên giới tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2 cửa khẩu chính là cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu) và Chiềng Khương (Sông Mã); 2 cửa khẩu phụ là cửa khẩu Nậm Lạnh (Sốp Cộp) và Nà Cài (Yên Châu) và 7 lối mở biên giới. Trong tổng số 17 xã giáp biên, có 5 xã với 6 chợ, gồm 4 chợ xây dựng kiên cố và 2 chợ tạm. Việc thực hiện các hoạt động thương mại tại các cửa khẩu do lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Hải quan thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước. Hệ thống cửa khẩu và chợ biên giới đã góp phần đưa tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu biên giới tăng trưởng ổn định qua các năm. Cụ thể, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu năm 2014 đạt 832 nghìn USD, năm 2015 tăng lên 1.322 nghìn USD. Các mặt hàng mua bán giữa thương nhân biên giới hai nước, gồm: Vật liệu xây dựng (chủ yếu là xi măng, sắt thép); tạm nhập, tái xuất các loại máy móc phục vụ công trình có kỳ hạn, gỗ, các loại nông sản và một số mặt hàng tiêu dùng.

Trong lĩnh vực hợp tác về xúc tiến thương mại, tỉnh ta đã chỉ đạo các ngành, đơn vị tổ chức hội chợ, phiên chợ tại các xã, huyện biên giới, từ năm 2014 đến nay, đã tổ chức 11 hội chợ và 5 phiên chợ, đều có các doanh nghiệp nước CHDCND Lào tham gia từ 3 đến 5 gian hàng, góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hóa, kích thích sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tìm kiếm thị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng của người dân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhất là các tổ chức tín dụng hoạt động tại các vùng biên giới Việt - Lào, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cơ chế, phương thức thanh toán đối với thương nhân mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và viện trợ giữa Việt Nam và Lào. Khuyến khích và tạo thuận lợi để các thương nhân buôn bán qua biên giới Việt - Lào tham gia thanh toán qua hệ thống Ngân hàng. Một số doanh nghiệp, cá nhân đã mở tài khoản phục vụ thanh toán mua bán, xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng các loại hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo thương mại biên giới tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán hàng hóa nhập lậu qua cửa khẩu, lối mở, các chợ, điểm bán hàng dọc tuyến biên giới. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng tại khu vực biên giới... Từ tháng 7 năm 2014 đến nay, tại địa bàn 6 huyện biên giới, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã thực hiện 3.580 lượt kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 1.976 vụ, tổng số tiền thu phạt hành chính 3,8 tỷ đồng, tổng số tiền phát mại 675 triệu đồng, tổng số giá trị hàng tiêu hủy 1,3 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo thương mại biên giới tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc việc quản lý hoạt động thương mại biên giới, phối hợp các tỉnh bạn Lào tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân các xã biên giới về khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây, con giống có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm sản. Tư vấn lập các quy hoạch, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy lợi - thủy sản, sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai; tổ chức thi công các công trình giao thông nông thôn, cấp nước, thủy lợi... từ năm 2014 đến tháng 8/2016, tỉnh ta đã ký kết biên bản hợp tác toàn diện với 6 tỉnh Bắc Lào: Hủa Phăn, Luông Pha Bang, U Đôm Xay, Luông Nặm Thà, Bò Kẹo, Phông Xa Lỳ giai đoạn 2015 - 2017; biên bản hợp tác giữa 3 tỉnh Sơn La - Hủa Phăn - Luông Pha Bang; biên bản giao ban biên giới thường niên với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang.

Giai đoạn 2016-2018, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, trong đó, chú trọng quan tâm phát triển thương mại hai chiều qua các cửa khẩu biên giới; tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, phấn đấu kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng bình quân hằng năm từ 10- 12%, tập trung đầu tư, khai thác những sản phẩm, hàng hóa có tiềm năng, lợi thế cho tỉnh và xuất khẩu các mặt hàng mà tỉnh bạn đang có nhu cầu. Đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hai bên tăng cường trao đổi hàng hóa, tham gia hội chợ thương mại, cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất và nhân rộng tại các tỉnh bạn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới