Sau 10 năm thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện cam kết “5 có, 5 không” đời sống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; nhiều hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội vùng cao, vùng sâu từng bước phát triển bền vững.

Lực lượng Công an tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông

thực hiện tốt cam kết “5 có, 5 không” ở xã Huổi Một (Sông Mã).

Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan không phù hợp; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Mông, tháng 3/2007, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín dân tộc Mông toàn tỉnh, tại Hội nghị đã thông qua và ký cam kết thực hiện nội dung “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, nội dung cam kết “5 có, 5 không” đã được triển khai bài bản, thống nhất, đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở và đến tất cả các hộ đồng bào dân tộc Mông; được cụ thể hóa thành quy ước, hương ước; được cấp ủy, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các hộ ký cam kết thực hiện, coi đây là tiêu chí để bình xét gia đình, bản văn hóa hằng năm. Qua đó, đã khơi dậy và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và chủ động giải quyết các vấn đề nảy sinh tại cơ sở; nhiều xã, bản đã có ý thức xây dựng bản mới phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, xây dựng tổ chức đảng, mặt trận các đoàn thể vững mạnh, tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định cuộc sống. Theo đó, nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông đã được loại bỏ; tình trạng du canh, du cư, vượt biên trái phép đã có chiều hướng giảm nhiều so với trước; đồng bào dân tộc Mông khu vực biên giới tích cực tham gia và thực hiện phong trào bảo vệ an ninh biên giới, tự quản đường biên, mốc giới; không vượt biên trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện, cam kết thực hiện và giữ vững bản “4 không” về ma túy; đi đầu thực hiện nội dung cam kết về hiếu học... Cùng với đó, nhiều mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, như: mô hình chuyển đổi từ trồng lúa nương sang trồng cây cà phê ở bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) cho thu nhập từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây sơn tra của gia đình ông Giàng Páo Của, bản Nậm Lộng, xã Hang Chú (Bắc Yên) cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng rừng phòng hộ của gia đình ông Và Sềnh Thào, bản Nong Vai, xã Co Mạ (Thuận Châu), trồng và khoanh nuôi được hàng trăm ha rừng... Từ các mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 34% năm 2011 xuống còn 22,44% năm 2015.

Có thể khẳng định, chủ trương thực hiện cam kết “5 có, 5 không” là một chủ trương đúng, sát hợp với yêu cầu thực tế của Đảng bộ tỉnh trong tình hình hiện nay; là một trong những giải pháp khơi dậy tính tự giác, ý thức làm chủ của đồng bào. Đây còn là cẩm nang để các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; trong quá trình triển khai đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Chính nhờ có bản cam kết “5 có, 5 không” mà diện mạo đời sống của đồng bào dân tộc Mông đã thay đổi tích cực. Nếp sống văn hóa mới được thể hiện ở từng gia đình, từng bản, từng xã, đời sống bà con ngày càng ấm no, hạnh phúc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nội dung cam kết thực hiện “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông

5 có:

- Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, làm ra nhiều hàng hóa để dùng và bán.

- Có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

- Có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang ma, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông.

- Có ý thức xây dựng Bản mới phát triển toàn diện, ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự.

- Có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt.

5 không:

- Không du canh du cư, phá rừng làm nương, vượt biên trái phép và làm việc xấu.

- Không truyền đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

- Không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò.

- Không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy.

- Không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, sinh nhiều con.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới