Phương Tây nói về sức mạnh của xe đạp thồ trong Chiến tranh Đông Dương

Sau khi người Pháp thất bại ở chiến trường Việt Nam, phương Tây đã phân tích các nguyên nhân và tỏ ra thán phục chiếc xe đạp mà người Việt sử dụng.

xin giới thiệu với độc giả bài viết của tác giả Arnold Blumberg, từng là quân nhân trong lục quân Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam. Bài viết đăng trên chuyên trang lịch sử HistoryNet, nói về sức mạnh vô địch của những chiếc xe đạp mà Việt Nam sử dụng trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh (tít phụ do VOV.VN đặt).

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của Việt Nam nhằm giành lại độc lập (đầu tiên là từ thực dân Pháp rồi sau đó là Mỹ và các nước đồng minh), có nhiều nhân tố góp phần vào chiến thắng cuối cùng của những người cộng sản Việt Nam. Nguyên nhân cốt lõi của chiến thắng này là ý chí sắt đá và sự kiên cường của nhân dân Việt Nam – những người đã dựa vào cả những phương tiện tương đối thô sơ để đối đầu với kẻ địch sử dụng các phương tiện chiến tranh tối tân. Trong các phương tiện “công nghệ thấp” thường bị đối phương của họ chế giễu này, có một thứ đóng vai trò then chốt đối với kết quả cuộc chiến chống Pháp, và ở một mức độ thấp hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - đó là chiếc xe đạp.

Vận tải bằng xe đạp đóng vai trò hết sức quan trọng trong

chiến thắng quyết định của Việt Minh trước người Pháp ở Điện Biên Phủ.

Có lẽ không có gì minh họa tốt hơn cho thực tế này bằng một bài viết trên một tờ báo London vào ngày 3/10/1967 kể về phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright của bang Arkansas đã phản ứng trước lời xác nhận của một phóng viên tờ New York Times về việc lực lượng cách mạng Việt Nam sử dụng rộng rãi xe đạp trên chiến trường.

Phóng viên Harrison Salisbury, mới ở Hà Nội một thời gian trước đó, đã cung cấp cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chi tiết về cách thức mà những chiếc xe đạp giúp “Việt Cộng và quân đội Bắc Việt” liên tục tiếp tế cho lực lượng chiến đấu của họ ngay cả trong các điều kiện khắc nghiệt nhất. Phóng viên Salisbury xác nhận một cách chắc nịch: “Tôi thực sự tin rằng nếu không có xe đạp họ sẽ phải rút khỏi cuộc chiến tranh này”.

“Sao không dùng máy bay để săn xe đạp?”

Kinh ngạc trước thông tin này, thượng nghị sĩ Fulbright đã bật dậy từ ghế ngồi của mình, và vặn lại Salisbury: “Tại sao chúng ta không tập trung ném bom xe đạp của bọn họ thay vì đi ném bom các cây cầu? Liệu Lầu Năm Góc có biết điều này?”

Hầu hết các thành viên Ủy ban Đối ngoại và những người dự phiên điều trần đều nghĩ vị thượng nghị sĩ này hẳn là đang pha trò. Những tiếng cười rộ lên trước ý tưởng sử dụng số lượng lớn máy bay hiện đại của Mỹ để săn lùng những chiếc xe đạp bên trong các cánh rừng rậm nhiệt đới của Việt Nam.

Thế nhưng các quân nhân Mỹ có mặt trong phiên điều trần đó thì không thể cười rinh rích được. Gương mặt lặng yên không chút biểu cảm của họ đã nói lên nhiều điều. “Sếp” của họ ở cả Lầu Năm Góc lẫn Việt Nam đều biết rằng việc đối phương sử dụng xe đạp trong cuộc chiến tranh ở quốc gia Đông Nam Á này đã đạt đến mức độ lớn giúp họ duy trì các nỗ lực chiến tranh chống lại Mỹ. Đối với họ chẳng có gì đáng cười cả. Chiếc xe đạp bé nhỏ đã sống sót trước đủ loại vũ khí hiện đại nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Sau khi Nhật Bản bại trận vào cuối Thế chiến 2, người Pháp đã một lần nữa giành quyền kiểm soát đối với các thuộc địa cũ của họ ở Đông Dương. Nhưng Mặt trận Việt Minh (do những người cộng sản lãnh đạo) đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã tỏ rõ quyết tâm đánh đuổi đế quốc Pháp khỏi quê hương mình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là kiến trúc sư hoạch định chiến lược quân sự của Việt Minh. Vị tướng này đã thực hiện các cuộc quấy rối quy mô nhỏ nhưng liên tục đối với quân Pháp, nhằm tiêu hao quân địch cả về tinh thần và lực lượng. Để đạt được điều này, ông Giáp phải có năng lực di chuyển binh sĩ và phương tiện chiến tranh một cách nhanh chóng và bí mật quanh chiến trường.

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ

Vào năm 1953, sau 7 năm giao tranh dữ dội, phía Pháp đã bị thương vong 74.000 người. Bên cạnh đó, 190.000 quân Pháp bị sa lầy ở các vùng chiếm đóng. Tướng Henri Navarre, tổng tư lệnh các lực lượng Pháp ở Đông Dương hy vọng có thể thương lượng để tìm lối thoát khỏi cuộc xung đột này nên đã vạch ra một kế hoạch lôi kéo tướng Giáp vào một trận đánh quyết định. Nếu như tướng Navarre giành được một chiến thắng rõ ràng thì Pháp sẽ ở thế mạnh để đạt được một giải pháp chính trị cho phép Pháp rút khỏi Việt Nam trong danh dự.

Địa điểm mà tướng Navarre lựa chọn cho trận quyết chiến là Điện Biên Phủ, một ngã ba quan yếu nằm tại một thung lũng ở tây bắc Việt Nam, cách thành phố Hà Nội 354km. Điện Biên Phủ án ngữ con đường chính sang Lào và nối với một tuyến tiếp tế trọng yếu khác từ Trung Quốc. Navarre tin tưởng rằng đối thủ của mình không có đủ khả năng vận chuyển lượng lương thực và vũ khí cần thiết để giành chiến thắng trong một trận đối đầu ở khu vực bị cách ly này.

Vào cuối tháng 11/1953, 15.000 lính Pháp chiếm lĩnh Điện Biên Phủ. Phía Việt Minh chấp nhận lời thách đấu và nhanh chóng bao vây tập đoàn cứ điểm của Pháp bằng 50.000 binh sĩ, với sự hỗ trợ của hàng chục ngàn dân công, những người đã mở những lối đi mới trong rừng rậm để đưa hàng tiếp tế ra mặt trận.

Cuộc chiến tại thung lũng Điện Biên Phủ trở thành cuộc chiến hậu cần. Người Pháp đã phạm một sai lầm đau đớn là đánh giá thấp năng lực của Việt Minh trong việc đưa trọng pháo và lượng lớn hàng tiếp tế ra mặt trận. Người Pháp đinh ninh họ chỉ phải đối mặt với súng cối là cùng, chứ không phải là pháo tầm xa hạng nặng. Nhưng rốt cuộc tướng Giáp đã bố trí được 144 cỗ trọng pháo cộng thêm hàng chục khẩu pháo loại nhẹ hơn quanh căn cứ của Pháp.

Điều then chốt trong nỗ lực tiếp tế của Việt Minh trong trận đánh kinh điển này là sự kết hợp nhiều phương thức vận tải, trong đó lực lượng vận tải bằng xe đạp đóng vai trò nòng cốt. Đây cũng là lực lượng xe đạp thồ quân sự lớn nhất trong lịch sử. Mặc dù người Việt Nam có sử dụng 600 xe ô tô vận tải Molotova loại 2,5 tấn do Liên Xô sản xuất cùng thuyền ba ván, ngựa và đội ngũ những người gùi đồ trên vai, thành phần chủ lực của mạng lưới hậu cần Việt Minh vẫn là đội quân 60.000 người đẩy xe đạp thồ.

Vào ngày 7/5/1954, sau hơn 3 tháng chuẩn bị (bao gồm việc tích trữ lượng lớn lương thực và vũ khí) cùng hơn 2 tháng giao tranh đẫm máu, cuối cùng cụm cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ đã thất thủ trước quân Việt Minh. Phía Pháp có hơn 3.000 người tử trận, và 8.000 người bị bắt làm tù binh.

Trong suốt thời gian bao vây quân Pháp, các tuyến tiếp tế của Việt Minh chưa bao giờ bị suy chuyển một cách đáng kể trước các đợt ném bom của máy bay Pháp, dù cho Pháp biết các tuyến đường tiếp tế cũng như các khu vực cất trữ hàng hóa. Đơn giản là Pháp không đủ máy bay để ngăn chặn dòng tiếp tế cả ngày lẫn đêm của Việt Minh. Đã vậy, các tán cây của rừng rậm nhiệt đới khiến cho máy bay Pháp rất khó đánh trúng mục tiêu.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sau đó là chống Mỹ, người Việt Nam ưa thích chiếc xe đạp Peugeot do chính Pháp sản xuất. Sự lựa chọn số 2 của họ là xe đạp Favorit do Tiệp Khắc sản xuất. Một trong các chiếc xe Favorit như vậy đã lập kỷ lục khi chuyên chở tới 100 tấn hàng vào các năm 1961-1962.

Gia cố “ngựa sắt”

Xe đạp có năng lực vận tải đặc biệt hiệu quả trên các con đường và cung đường nhỏ hẹp của Việt Nam vào mùa khô. Xe đạp lại rất dễ chỉnh sửa để đáp ứng các nhu cầu đặt ra.

Dinh Van Ty, một chỉ huy “lữ đoàn xe đạp” giải thích: “Trước tiên chúng tôi phải biến những chiếc xe đạp của mình thành xe thồ, với thanh gióng ngang có năng lực chở 200kg hoặc hơn... Chúng tôi phải gia cố mọi bộ phận... Chúng tôi ngụy trang mọi thứ bằng lá và thực hành di chuyển về đêm”.

Ông Ty mô tả lại cách tháo yên xe và lắp thêm giá bằng sắt, gỗ hoặc tre ở bánh sau. Điều này giúp xe chở thêm hàng. Khung xe cũng hay được gia cố thêm bằng cách gắn thêm các miếng sắt, gỗ hay tre. Ngay cả khi mỗi xe đạp thồ có 2 người phụ trách đưa ra mặt trận thì lượng lớn hàng hóa tới được các chiến sĩ vẫn lớn hơn nhiều lượng hàng mà bản thân 2 dân công này tiêu dùng.

Một khi chất đầy hàng lên xe thì người thồ không thể sát xe để điều khiển ghi-đông. Do vậy, người ta gắn thêm một que gỗ hay sào tre đủ dài vào ghi-đông để người thồ có thể điều khiển được chiếc xe đạp. Ngoài ra người ta còn cắm thêm một chiếc gậy vào trục đứng của yên xe để đẩy xe tiến về phía trước hoặc hãm xe lại khi xuống dốc.

Năng lực thồ của những chiếc xe 2 bánh đã được “độ lại” này có thể lên tới gần 3 tạ (trung bình là 2 tạ), cộng thêm khoảng 40kg mà người dân công mang trên người. Một kỷ lục đã được lập ở Điện Biên Phủ với một chiếc xe đạp chở tới 328kg. Thế nhưng kỷ lục này đã bị phá vỡ bởi một chiếc xe đạp khác trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh vào năm 1964. Chiếc xe đạp này đã chở được tới 420kg trong một lần thồ. Người Việt Nam đã gọi những chiếc xe đạp này là “ngựa sắt”.

Ngoài việc vận chuyển người và hàng hóa, xe đạp còn phục vụ các thương binh ở mặt trận. Năm 1968, một công ty con của hãng Peugeot đã chế ra một mẫu xe đap riêng cho quân đội “Bắc Việt”. Xe này chứa bộ đồ phẫu thuật và thuốc men, cùng 2 đèn gắn ở đầu với dây điện nối dài có thể tháo rời để thắp sáng cho một bệnh viện dã chiến loại nhỏ. Và người Việt còn chế ra một loại xe thô sơ chở thương binh về tuyến sau bằng cách dùng cọc tre dài gắn 2 xe đạp với nhau rồi treo cáng ở giữa./.

Theo Vov
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới