Nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống khủng bố trong tình hình mới

LTS: Trong những gần đây, hoạt động khủng bố trên thế giới không ngừng gia tăng cả về số vụ, quy mô, phương thức và tính chất nguy hiểm, đe dọa an ninh của nhiều quốc gia. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, sớm nhận diện và có biện pháp phòng, chống khủng bố có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đại tá Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh về vấn đề này.

 

Lực lượng CSCĐ (Công an tỉnh) luyện tập các bài chiến thuật phục vụ diễn tập

khu vực phòng thủ và phòng chống khủng bố tỉnh năm 2018.  

Ảnh: Thanh Huyền

 

PV: Thưa đồng chí, công tác phòng, chống khủng bố hiện đang đặt ra những vấn đề mang tính toàn cầu. Đồng chí có thể cho biết, công tác này ở Việt Nam nói chung, Sơn La nói riêng cần được quan tâm như thế nào?

Đại tá Trần Anh Tuấn: Trong những năm qua, hoạt động khủng bố trên thế giới không ngừng gia tăng cả về số vụ, quy mô, phương thức và tính chất nguy hiểm, đe dọa an ninh của nhiều quốc gia. Đáng chú ý là, lợi dụng chống khủng bố, một số thế lực hiếu chiến đã, đang can thiệp vào các quốc gia có độc lập, chủ quyền. Ở nước ta, mặc dù chưa xảy ra khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, nhưng những biểu hiện của các hoạt động tội phạm có tổ chức gần đây cũng tiềm ẩn mầm mống, nguy cơ khủng bố.

PV: Về đối tượng khủng bố ở nước ta có thể được nhận diện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Anh Tuấn: Về đối tượng khủng bố ở nước ta có thể bao gồm: lực lượng khủng bố quốc tế do một số tổ chức tôn giáo cực đoan hoặc thế lực hiếu chiến thù địch tiến hành. Lực lượng này có thể tổ chức ra các nhóm khủng bố vũ trang, tổ, đội đặc nhiệm để thực hiện hoạt động: đánh bom tự sát, đột kích đường không hoặc khủng bố trên không, trên biển. Đó là lực lượng người Việt phản động lưu vong kết hợp với các nhóm khủng bố từ ngoài xâm nhập vào nước ta. Đó còn là các nhóm khủng bố cực đoan trong một số dân tộc, tôn giáo trên các vùng, miền; tội phạm hình sự nguy hiểm, cùng đường; phần tử thoái hóa biến chất, bất mãn với chế độ bị thế lực thù địch, hiếu chiến kích động, mua chuộc...

PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về mục đích, thủ đoạn của các đối tượng khủng bố hiện nay?

Đại tá Trần Anh Tuấn: Về mục đích: Ở từng loại đối tượng khủng bố khác nhau, mục đích của chúng cũng khác nhau, song về cơ bản thường nhằm: sát hại, bắt giữ, khống chế công dân nước ngoài, lãnh đạo cấp cao; phá hoại các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh trọng yếu, v.v. Về phương thức, thủ đoạn: Thường đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân hòng mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, phần tử cơ hội, bất mãn, thoái hóa biến chất, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ, cả tin,... để hình thành tổ chức bí mật ở trong và ngoài nước. Tiếp đó, chúng bí mật tiếp cận nắm bắt tình hình, lựa chọn mục tiêu, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của ta (nhất là trong các dịp lễ hội, sự kiện chính trị lớn của đất nước), sử dụng lực lượng “đặc nhiệm”, bất ngờ tiến công đánh chiếm mục tiêu, bắt giữ con tin,... gây chấn động trong xã hội. Quá trình thực hiện, các phần tử khủng bố thường kết hợp tuyên truyền, tung tin thất thiệt, nhằm vu cáo, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước ta, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, nâng cao hiệu ứng khủng bố để sớm đạt được mục tiêu đề ra...

PV: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Công an tỉnh đã có những biện pháp gì để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống khủng bố, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Anh Tuấn: Thực hiện Luật phòng, chống khủng bố, với chức năng là cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh; chủ động phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở Ngoại vụ, các ngành, địa phương nắm tình hình, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng tổ chức diễn tập các phương án phòng chống khủng bố; rà soát 175 mục tiêu, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, qua đó xây dựng các phương án bảo vệ, các biện pháp đấu tranh phòng, chống với loại tội phạm này. Hàng năm, Công an tỉnh còn phối hợp với các Cục, Tổng cục nghiệp vụ Bộ Công an tổ chức tập huấn công tác phòng, chống khủng bố cho lãnh đạo, cán bộ, lực lượng bảo vệ các cấp, ngành và các công trình mục tiêu trọng điểm trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống khủng bố, v.v.. Bằng các biện pháp nói trên, đã từng bước nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống khủng bố đối với các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn.

PV: Để sớm nhận diện và có biện pháp phòng, chống khủng bố hiệu quả, chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề gì, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Anh Tuấn: Để công tác này ngày càng hiệu quả, đi vào nền nếp, tạo thế chủ động; các cấp, các ngành, đơn vị và mọi người dân cần không ngừng nâng cao nhận thức, cảnh giác; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng, tập huấn các phương án giải quyết những tình huống khủng bố có thể xảy ra. Tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện và tổ chức cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ phòng, chống khủng bố tiếp tục được nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về công tác này.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Phong Lưu (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới