Ngay từ đầu mùa khô, huyện Mường La đã triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và PCCC rừng; kiện toàn ban chỉ huy PCCC rừng cấp huyện, xã và các tổ, đội quần chúng ở cơ sở; xây dựng phương án PCCCR và triển khai đến các xã, chủ rừng và nhân dân tại khu vực có rừng; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCCCR. Phấn đấu hạn chế thấp nhất các thiệt hại do lửa rừng gây ra.
Hiện nay, huyện Mường La có trên 94.800 ha rừng, trong đó, 72.000 ha rừng phòng hộ, hơn 22.800 ha rừng sản xuất. Ngay từ đầu mùa khô 2015-2016, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền tới các hộ dân Luật Bảo vệ và phát triển rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đã phát hơn 29.000 tờ rơi; tổ chức 84 hội nghị tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng cho hơn 6.280 lượt người; xây dựng 17 phương án BVR và PCCCR (1 phương án cấp huyện, 16 phương án cấp xã); đồng thời, củng cố 226 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR cấp xã, với hơn 2.000 thành viên. Bên cạnh đó, tổ chức cho 100% gia đình, nhóm hộ ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Duy trì việc thông báo tại trụ sở UBND xã, khu dân cư, nhà văn hóa bản về những khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, giúp các bản, chủ rừng và lực lượng canh phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.
Là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), Hạt Kiểm lâm huyện phân công cán bộ kiểm lâm thường trực 24/24 giờ, nhất là thời điểm mùa khô, độ ẩm không khí thấp, gió mạnh. Tại mỗi bản thành lập tổ, đội PCCCR từ 20 người trở lên, hoạt động với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Lực lượng này thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy; làm mới, phát dọn đường băng cản lửa, khoanh vùng, khống chế và hạn chế thấp nhất diện tích đám cháy (nếu xảy ra cháy). Mặt khác, khoanh vùng quy hoạch và xác định rõ khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao ở 51 bản thuộc 10 xã, thị trấn. Chỉ đạo các cấp xây dựng phương án PCCCR phù hợp với thực tiễn, chú trọng diện tích rừng trồng hiện đang khép tán... Huyện còn chuẩn bị 1 ô tô chỉ huy phòng cháy; 2 máy định vị GPS; 10 xẻng gấp; 36 dao phát; 1 lốc thuyền; 2 đèn XENON, sẵn sàng ứng cứu khi có cháy xảy ra.
Là xã có 3.600 ha rừng, hằng năm, Ngọc Chiến đã chủ động PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng chí Lò Văn Mòn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến (Mường La) cho biết: Bà con trong xã chủ yếu là sản xuất trên nương với hơn 3.000 ha đất nương. Vào thời điểm mùa khô, bà con thường hay đốt nương để trồng ngô, sắn, vì vậy nguy cơ cháy rừng cao. Để chủ động PCCCR, UBND xã đã thành lập các tổ, đội PCCCR ở 25/25 bản; tổ chức cho nhân dân phát đường băng cản lửa; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy rừng; tổ chức tuần tra canh gác vùng trọng điểm chữa cháy tại các bản: Lán Én, Phiêng Phà, Huổi Hậu, Tạng Khẻ; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ khi có cấp dự báo cháy; xác định những nơi có nguy cơ cháy cao để phân công trực, bảo đảm ứng phó kịp thời với giặc lửa. Nhờ vậy, 5 năm qua, xã không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Ông Vàng A Trớ, trưởng bản Tốc Tát trên, xã Chiềng Công kể: Hiện 50 hộ của bản được giao chăm sóc và bảo vệ 1.899 ha rừng. Những năm trước, trên địa bàn thường xảy ra khai thác lâm sản trái phép. Hơn nữa, bà con đốt nương cháy lan sang rừng cộng đồng của bản. Vì vậy, bản đã chia thành 5 nhóm, trong đó 1 nhóm của chi đoàn thanh niên và 4 nhóm cộng đồng bản có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng tại địa bàn, không để tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, hương ước của bản quy định rõ: Muốn đốt nương, chủ nương phải báo với trưởng bản để cử người canh gác và đốt đúng thời gian quy định. Nhờ vậy, hơn 10 năm, bản không xảy ra cháy rừng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng ở Mường La sẽ góp phần hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!