LTS: Luật An ninh mạng được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Để cán bộ và nhân dân hiểu rõ sự cần thiết của Luật An ninh mạng, phóng viên Báo Sơn La có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Trung Tấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị (Công an tỉnh) và cán bộ Trung tâm CNTT tỉnh
kiểm tra an ninh mạng tại các cổng thông tin điện tử của tỉnh.
PV: Xin đồng chí cho biết về tình hình an ninh mạng trên địa bàn tỉnh những năm qua?
Trung tá Nguyễn Trung Tấn: Tình hình an ninh mạng trên địa bàn tỉnh những năm qua cơ bản được giữ vững và ổn định. Tuy nhiên, nhận thức về an ninh, an toàn thông tin mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân còn hạn chế; tình trạng sao chép tài liệu mật gây nguy cơ lộ, lọt bí mật Nhà nước. Các diễn đàn mục bình luận của một số trang thông tin điện tử tổng hợp sử dụng dịch vụ đến các Fanpage (trang được lập ra từ facebook của một cá nhân hoặc một công ty, doanh nghiệp nào đó, tạo ra một nhóm cộng đồng cùng có một sở thích chung), nhóm trên Facebook, không xây dựng hệ thống quản lý, lưu trữ thông tin người dùng, gây khó khăn cho việc truy xuất thông tin và ngăn chặn thông tin xấu do thành viên đăng tải. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhiều cổng/trang TTĐT của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh còn tồn tại lỗ hổng bảo mật có nguy cơ bị tin tặc tấn công chiếm đoạt, khai thác, chỉnh sửa thông tin. Tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền vẫn còn phổ biến, nhiều cơ quan, sở, ngành chưa có nhận thức đầy đủ và chưa đầu tư cho công tác đảm bảo an ninh mạng. Lực lượng chuyên trách thực hiện công tác đảm bảo an ninh mạng còn mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, chưa đáp ứng các yêu cầu công tác đặt ra
Có thể nói, sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Các thiết bị kết nối internet ngày càng phổ biến, mang lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh song cũng có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội. Tuy nhiên, vì chưa có chế tài cụ thể nên việc xử lý các hành vi này của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn.
PV: Lực lượng công an tỉnh có giải pháp gì trước những nguy cơ, tiềm ẩn mất an ninh mạng, thưa đồng chí?
Trung tá Nguyễn Trung Tấn: Trước những nguy cơ trên, Công an tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Tăng cường tuần tra, kiểm soát mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ bí mật Nhà nước cho cán bộ, nhân viên các cơ quan, sở, ngành; Rà quét các lỗ hổng bảo mật trên các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, sở, ngành, kịp thời khắc phục, không để xảy ra tình trạng tấn công gây mất an ninh, an toàn thông tin mạng.
PV: Xin đồng chí cho biết những biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành?
Trung tá Nguyễn Trung Tấn: Việc sử dụng lợi dụng không gian mạng có tính chất ảo để đăng tải các thông tin xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể bị xử lý như sau: Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet đối với người vi phạm. Yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh tiếp tục tham mưu các cấp, các ngành chức năng công khai vụ việc vi phạm an ninh mạng và đề xuất biện pháp xử lý trước quần chúng nhân dân, các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, sau khi luật an ninh mạng có hiệu lực thi hành, lực lượng an ninh sẽ dễ dàng hơn trong việc xác thực danh tính người dùng trên không gian mạng, từ đó tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự như sau: Bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý theo các điều luật tương ứng với hành vi của mình, chẳng hạn như Điều 288 Bộ Luật hình sự năm 2015 “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Phong Lưu (Thực hiện)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!