Phát biểu với các cán bộ, chiến sĩ Học viện Quốc phòng Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả và thành tích mà Học viện Quốc phòng Lào đã đạt được, nhất là những kết quả to lớn trong đào tạo cán bộ trung, cao cấp, cán bộ quân sự, chính trị của Quân đội nhân dân cách mạng Lào; bồi dưỡng công tác quốc phòng-an ninh cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước Lào; nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự… xứng đáng là Học viện lớn nhất của Bộ Quốc phòng Lào.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tỏ rõ sự vui mừng khi được biết nhiều cán bộ, giáo viên đang đảm đương các chức vụ quan trọng của Học viện đã từng nghiên cứu, học tập tại Việt Nam. Đó chính là cầu nối, là hạt nhân để giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã điểm lại tình hình thế giới và khu vực, thời gian qua, chỉ rõ những quan điểm chỉ đạo trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng đi vào chiều sâu, ổn định, vững chắc.
Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng không tham gia liên minh quân sự, không đi với nước này chống lại nước khác, không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.
Về đường lối quốc phòng, Việt Nam kiên trì quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam chủ trương giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối chạy đua vũ trang, nhưng giành quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Việt Nam xác định củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn dân; lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng.
Chủ động ngăn ngừa nguy cơ xung đột, phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi có thể gây đột biến. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền biển đảo và vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường khu vực, quốc tế hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Đó là hành động nhất quán, là ý chí, là quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam; là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, được toàn dân và bạn bè quốc tế ủng hộ.
Trong những năm tới, Việt Nam chủ trương xây dựng quân đội tinh gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, có sức chiến đấu cao. Coi trọng và đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại, theo hướng lưỡng dụng; tập trung xây dựng một số tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đồng thời gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia nhằm từng bước tạo cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho Quân đội.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mới, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lòng tin chính trị, giữ vững quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống, thúc đẩy xu thế hòa bình ngăn ngừa nguy cơ xung đột.
Đến nay, Việt Nam đã quan hệ quân sự quốc phòng với hơn 80 quốc gia; có 42 quốc gia lập tùy viên quân sự quốc phòng tại Việt Nam và Việt Nam đã lập tùy viên quân sự ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã ký kết hơn 50 các văn kiện, văn bản về hợp tác quân sự quốc phòng với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chỉ rõ, về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, những năm qua, Bộ Quốc phòng và quân đội hai nước đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hợp tác quốc phòng, Nghị định thư hàng năm đạt nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực, ngày càng đi vào thực chất.
Hai nước đã chia sẻ kết quả nghiên cứu dự báo tình hình, kinh nghiệm xây dựng thế trận quốc phòng; cùng nhau tôn tạo và tăng dầy mốc giới quốc gia, bảo vệ đường biên giới hoà bình, hữu nghị và cùng phát triển thịnh vượng.
Hợp tác quốc phòng thực sự là trụ cột, góp phần to lớn vào việc xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước; tăng cường lòng tin chiến lược, nâng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, hai quân đội lên tầm cao mới, tăng cường vị thế, uy tín của mỗi nước, mỗi quân đội trên trường quốc tế.
Cũng trong sáng 24-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cùng Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã tới thăm Bệnh viện 103 của Quân đội nhân dân cách mạng Lào. Tại đây, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và các thành viên trong đoàn đã chứng kiến một cuộc hội chẩn qua cầu truyền hình trực tiếp giữa Bệnh viện 103 Lào với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 của Việt Nam. Thông qua cầu truyền hình, các bác sĩ hai nước ở hai đầu cầu truyền hình đã tham vấn, trao đổi trực tiếp về tình trạng của một bệnh nhân, từ đó hình thành phác đồ điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân.
Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã biểu dương những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc của hai bệnh viện trong thời gian qua, khẳng định sự hợp tác giữa Bệnh viện 103 của Lào với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 của Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai quân đội Việt Nam và Lào.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!