Giữa cái giá lạnh của miền biên giới, cùng cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp đi tuần rừng, chúng tôi hiểu thêm phần nào những vất vả, gian nan của các anh để giữ màu xanh cho những cánh rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp kiểm tra rừng.
Đưa mắt hướng về phía đại ngàn xanh sẫm, ông Vũ Văn Hải, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp, khái quát: Rừng đặc dụng Sốp Cộp rộng 17.405 ha. Ở đây còn nhiều loại động, thực vật quý hiếm, được ví như “lá phổi xanh” của khu vực Sông Mã, Sốp Cộp. Diện tích rừng trải dài khắp các dãy núi cao tiếp giáp với địa bàn 6 xã: Nậm Mằn, Huổi Một, Mường Cai (Sông Mã) Dồm Cang, Sốp Cộp, Púng Bánh (Sốp Cộp). Nơi đây, địa hình hiểm trở, lại bị chia cắt mạnh, dân cư sống phân tán, nếu lực lượng kiểm lâm chúng tôi không có sự đồng tình ủng hộ của người dân thì làm sao giữ được rừng.
Cũng theo ông Hải, để bảo vệ rừng, Hạt thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức PCCCR; phối hợp với cơ sở kiểm tra, giám sát và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các phương án, kế hoạch BVR và PCCCR; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác PCCCR, tuân thủ các quy định về thời điểm và quá trình phát, đốt nương rẫy giữa Hạt với các xã, giữa xã với bản, giữa bản với người dân. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Hạt đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền tại các bản cho trên 1.000 lượt người. Đồng thời, củng cố và phát huy vai trò của 66 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR tại các bản; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng để làm nương rẫy, vi phạm quy định PCCCR, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép... Cùng với đó, Hạt đã sử dụng máy GPS để xác định vị trí, diện tích các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái, những điểm có nguy cơ cháy cao, những khu vực sản xuất nương rẫy gần rừng, từ đó, số hóa lên bản đồ phục vụ nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.
Đặc biệt, năm 2014, ông Lò Văn Thành, Phó Hạt trưởng và ông Lường Văn Cường, cán bộ của Hạt đã có sáng kiến rất hữu ích góp phần tạo sinh kế cho người dân. Đó là, vận động nhân dân sống ven rừng đặc dụng đóng thùng đặt ven rừng để ong làm tổ lấy mật, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và giảm áp lực phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng. Chia sẻ về sáng kiến này, ông Thành kể: Trong những chuyến tuần tra rừng, tôi nhận thấy vào mùa xuân, rừng đặc dụng có rất nhiều ong, chúng thường làm tổ ở trong những cây gỗ mục. Tôi nghĩ, nên tận dụng gỗ mục đóng thành thùng để bẫy ong. Thấy lợi là làm, tôi cùng anh em trong Hạt lấy gỗ mục về làm thử nghiệm, đóng thử vài thùng đặt vào ven rừng, chỉ sau vài ngày ong đã đến làm tổ, khi được thu, chỉ vài tổ mà có tới cả chục lít mật ong. Vậy là, chúng tôi đã hướng dẫn bà con làm theo. Bây giờ, cứ mỗi khi vào mùa xuân, có rất nhiêu hộ dân ở 56 bản thuộc 6 xã trong địa bàn rừng đặc dụng tham gia nuôi ong. Nhà ít thì 6-7 thùng, nhà nhiều vài chục thùng, trung bình một thùng sẽ cho 3-5 lít mật ong, với giá trị của mật ong rừng từ 250-300 nghìn/lít, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Với sự nỗ lực cố gắng, cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp, thông qua những cách làm hiệu quả, thiết thực, đã tác động đến ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ rừng, nhận thức của người dân ngày càng nâng lên, bảo nhau thực hiện tốt các quy định quản lý, bảo vệ rừng, tuân thủ các quy định khi phát dọn nương rẫy; góp phần giảm số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Chia tay các anh, hình ảnh đọng mãi trong tôi là màu áo xanh của những “người lính giữ rừng” giữa đại ngàn bao la, hùng vĩ, họ đang nỗ lực hết mình vì màu xanh của núi rừng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!