Ngày 24/8, tại Thanh Hóa, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan tổ chức Cuộc họp nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về chính trị, an ninh lần thứ 8 (JWG8). Đồng chí Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an và Đại tướng Tha-víp Nét-ni-dôm, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan đồng chủ trì cuộc họp.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Tại cuộc họp, hai bên tập trung đánh giá việc triển khai kết quả cuộc Họp nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3 (tháng 8/2015); Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014 - 2018; rà soát kết quả triển khai thực hiện thảo thuận cuộc Họp lần thứ 7 Nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về hợp tác chính trị, an ninh (JWG7). Cuộc họp cũng đánh giá chương trình công tác triển khai Tầm nhìn an ninh Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014 - 2016; kết quả thực hiện Tầm nhìn an ninh Việt Nam - Thái Lan (TVSO) giai đoạn 2012 - 2016.
Tại cuộc họp, hai bên đã tập trung thảo luận về các nội dung hợp tác cần thúc đẩy trong thời gian tới. Trong đó có Cơ chế đối thoại an ninh cấp cao giữa Bộ Công an Việt Nam và cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng; tăng cường sử dụng đường dây nóng giữa Hải quân hai nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền. Hội nghị cũng thảo luận các giải pháp triển khai hiệu quả cơ chế Nhóm công tác chung và đường dây nóng về hạn chế, chống đánh bắt cá trái phép giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và đối tácThái Lan.
Hai bên cũng thỏa thuận sớm triển khai về hợp tác lao động giữa hai nước; sớm ký Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự; xúc tiến đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong ASEAN để đảm bảo duy trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, tôn trọng tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Qua đó đóng góp tích cực vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không Biển Đông. Hai bên phối hợp phát triển, quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mê Công theo đúng thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích các nước hạ nguồn sông Mê Công./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!