Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô hanh

Thời điểm này đang là mùa khô hanh, với dự báo sẽ có nhiều diễn biễn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Do vậy, tỉnh ta đã có những chỉ đạo kịp thời đối với các ngành chuyên môn trong việc quan tâm, chủ động phương án ứng phó, nhất là tại các cơ sở, đảm bảo hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Háng Đồng (Bắc Yên) rà soát, kiểm tra điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. 

Hiện, tỉnh ta có gần 780.000 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 55% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, 599.634 ha đất lâm nghiệp có rừng, độ che phủ rừng đạt 42,3%. Với mục tiêu nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác PCCCR, giảm thiểu số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, kiện toàn 12 Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, 204 Ban Chỉ đạo cấp xã. Trong đó, đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động gắn với phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ riêng trong quý IV năm nay, qua triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/9/2016 của BTV tỉnh ủy về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức 1.422 cuộc tuyên truyền tại các xã, bản với trên 70.000 lượt người tham dự; vận động trên 3.000 hộ tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã. Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật; kiên quyết bắt giữ, tịch thu phương tiện, tang vật và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh từng bước được ngăn chặn hiệu quả. Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, đến thời điểm này, Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành rà soát, bổ sung xong quy chế phối hợp giữa kiểm lâm với các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, hoàn thiện quy chế phối hợp bảo vệ, PCCCR trong vùng giáp ranh giữa Chi cục Kiểm lâm tỉnh với các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Điện Biên và Yên Bái nhằm phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ rừng, PCCCR. Căn cứ vào phương án PCCCR đã được phê duyệt, Ban chỉ đạo các cấp và chủ rừng đã tham mưu cho UBND các cấp xây dựng được kế hoạch PCCCR tại địa phương, đơn vị sát với tình hình thực tế để triển khai hiệu quả. Trong kế hoạch triển khai đã nêu những nội dung cụ thể, cần thiết, như: Xác định được vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, các biện pháp phòng cháy, các biện pháp chữa cháy, tín hiệu báo động, tổ chức huy động lực lượng tham gia khi có cháy xảy ra...

Tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, huyện, thành phố tăng cường các biện pháp PCCCR. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về PCCCR cho nhân dân ở các vùng rừng, ven rừng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng, PCCCR gắn với việc ký cam kết thực hiện; xây dựng, bổ sung và tổ chức thực hiện hiệu quả quy ước quản lý bảo vệ rừng, PCCCR cấp thôn, bản, cụm dân cư. Ông Đào Duy Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và ngành, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án PCCCR mùa khô 2016-2017. Tại các khu vực rừng bị ảnh hưởng bởi băng giá, từ đầu năm 2016, đơn vị đã đặt thêm các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCCR tại các khu vực trọng điểm, dọc đường giao thông và tiếp giáp với nương rẫy để người dân chủ động đề phòng. Đồng thời, chỉ đạo cho kiểm lâm địa bàn tham mưu, phối hợp với các cơ sở theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kiểm tra, đôn đốc công tác PCCCR, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng do đốt nương...

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh ta cũng đã dự báo nguy cơ cháy rừng được thực hiện từ đầu tháng 10 năm trước cho đến hết tháng 4 năm sau. Đây là thời kỳ có nguy cơ cháy rừng cao, do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành liên quan, nhất là việc chủ động rà soát, kiểm tra nguy cơ gây cháy rừng ngay từ cơ sở. Trong đó, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết của Đài khí tượng thủy văn Trung ương và địa phương; tổ chức các đợt kiểm tra, tự kiểm tra về công tác PCCCR đối với các vùng trọng điểm và địa bàn có nguy cơ cao về cháy rừng, gắn với kiểm tra việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị... 

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới