Bộ đội của dân

Đầu xuân mới, chúng tôi đến thăm Đoàn B26 (Bộ CHQS tỉnh) đóng quân tại huyện Sốp Cộp. Mặc dù là ngày Tết, nhưng màu áo xanh của những người lính vẫn hiện diện khắp mọi nơi, trong các hoạt động của đơn vị...

 

 Cán bộ chiến sỹ Đoàn B26 giúp nhân dân Mường Và (Sốp Cộp) sửa chữa cầu treo.

 

Đoàn B26 tiền thân là đoàn KTQP B26 được thành lập tháng 6-2002, đứng chân trên địa bàn 13 xã vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc 3 huyện Điện Biên, Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) và huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Đoàn có nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng và tổ chức sản xuất, làm nòng cốt hỗ trợ cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn 15 xã vùng dự án. Theo Quyết định số 4740 của Bộ Quốc phòng, tháng 1-2013, Đoàn B26 trực thuộc Bộ CHQS tỉnh Sơn La, đứng chân trên địa bàn huyện Sốp Cộp đảm nhiệm 8 xã, 127 bản, 7 cụm dân cư, gồm 6 dân tộc anh em...

Ngày đầu thành lập, trong khu vực chưa có điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại cũng không, thêm vào đó là phong tục, tập quán, bất đồng ngôn ngữ khiến công tác dân vận, triển khai nhiệm vụ của Đoàn gặp nhiều khó khăn. Vượt lên những điều đó, cán bộ, chiến sĩ Đoàn B26 bám dân, bám địa bàn, phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương bồi dưỡng, rèn luyện, giới thiệu kết nạp trên 800 đảng viên, thêm 16 bản có đảng viên; góp phần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động trên 200 tổ chức đoàn thể ở các bản. Tham gia gần 5.800 ngày công phòng chống, khắc phục thiên tai, bão lũ, làm đường, các công trình phúc lợi; hỗ trợ hàng tấn ngô giống cho hàng trăm hộ; trực tiếp giúp đỡ 186 hộ thoát nghèo; xóa gần 2.000 nhà tạm; vận chuyển hàng trăm tấn gạo cấp cho các hộ nghèo ở các bản biên giới; phối hợp khám, chữa bệnh cho trên 30.000 lượt người dân, cấp thuốc miễn phí trị giá gần 2 tỷ đồng; xây dựng 3 nhà văn hoá kiêm lớp cắm bản, 30 cầu treo, 53 phòng học, 7 hệ thống thủy lợi, và hàng trăm km đường giao thông nông thôn...

Con số trên chưa thể kể hết những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ Đoàn B26 trong 13 năm qua, nhưng có thể cảm nhận rõ tình quân dân ngày càng gắn kết hơn.

Mường Và, Mường Lạn, Mường Lèo... những địa danh trước đây chỉ nghe đã thấy gian nan, nhưng bây giờ những con đường đã được rải cấp phối, nhựa, đổ bê tông sạch đẹp. Dẫn chúng tôi đi thăm Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 đóng quân ở bản Mường Và (Mường Và), Thượng úy Lê Văn Hợi, cán bộ tuyên huấn của Đoàn khoe: Đường vào bản bây giờ được bê tông hóa, không những thế, người dân không còn nuôi trâu, bò ở gầm nhà sàn như trước. Bà con tin tưởng bộ đội, làm theo độ đội nên đã có kênh mương, lúa nước, các mô hình sản xuất, áp dụng KHKT. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%, giờ chỉ còn khoảng 35%...

Nhiều năm về trước, chúng tôi đã đã có dịp vào công tác tại vùng khó khăn này, lúc đó nhà nào cũng nuôi trâu bò dưới gầm sàn, khiến khu vực sinh hoạt gia đình rất mất vệ sinh; vườn rau thì nhà có, nhà không, nếu có cũng không theo quy hoạch... Bây giờ thì khác, nhà nào cũng làm chuồng trại gia súc ra xa nhà, nhà nào cũng có một vườn rau xanh; nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, như mô hình lúa nước, 100% bản tập trung thâm canh lúa nước thay vì làm lúa nương; chăn nuôi gia súc được quy hoạch lại, không thả rông, trồng thêm cỏ, biết cách phòng dịch cho gia súc, gia cầm. Trung tá Nguyễn Văn Toan, Đội trưởng Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 tâm sự: Việc vận động bà con bản Nà Vèn, Mường Và (xã Mường Và) ăn ở vệ sinh, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn thực sự là cuộc cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ phải xuống tận nhà giúp làm chuồng trại ra khỏi gầm sàn, vệ sinh môi trường xung quanh để bà con làm theo. Hằng tuần, mỗi khi có tiếng trống của bản là toàn bộ người dân trong bản đều ra vệ sinh nhà cửa và con đường bê tông của bản. Một thay đổi đáng kể là cứ mỗi đợt sinh hoạt, bí thư hoặc phó bí thư chi bộ Đội lại xuống dự cùng, hướng dẫn cách ra nghị quyết, xây dựng chương trình tổ chức thực hiện; vì vậy, bây giờ những buổi sinh hoạt bí thư chi bộ bản đã làm tốt, đúng quy trình sinh hoạt Đảng.

Chúng tôi đến bản Nà Vèn đúng lúc bà con đang vệ sinh môi trường chuẩn bị đón xuân, Trưởng bản Quàng Văn Hồng, hồ hởi: Trước đây, khi chưa có bộ đội về, bà con gặp nhiều khó khăn lắm, sản xuất lạc hậu, điện chưa có, nước sinh hoạt phải lấy ở suối, trong bản không có nhà nào khá giả... Từ khi có bộ đội về ai cũng biết áp dụng KHKT trong sản xuất, thu nhập của bà con ổn định hơn, có điện, bản chỉ còn trên 30% hộ nghèo. Năm nào cũng vậy, bộ đội xuống ăn tết cùng bà con, sắm tết cho bà con, tổ chức văn nghệ và có nhiều hoạt động cùng với bà con. Vui lắm...

Niềm vui của Trưởng bản Quàng Văn Hồng như nói thay tất cả. 13 năm gắn bó vùng biên giới, những người lính Đoàn B26 đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây đổi thay, người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, nỗ lực vì bình yên và phát triển của vùng đất này.

 

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới