Cơn mưa lất phất cuốn trong làn gió chiều nhè nhẹ, làm cho cái lạnh trên đỉnh đèo Pu Sâng cao hơn 1.400m so với mực nước biển trở nên tê buốt hơn. Song chúng tôi lại thấy ấm lòng khi chứng kiến sự đổi thay của 2 xã Mường Và, Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Nơi những đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn B26 đang góp sức để người dân nơi đây thoát nghèo.
Đội viên TTTTN hướng dẫn bà con Bản Liềng, xã Mường Lèo (Sốp Cộp) chăm sóc lúa nước.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bản Nà Vèn, xã Mường Và. Bản có 67 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Lào sinh sống. Trước đây, bà con trong bản loay hoay với phương thức sản xuất lạc hậu, nên không thoát được nghèo. Từ khi Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 về đứng chân trên địa bàn, cùng đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN), tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi cho bà con, đời sống của nhân dân trong bản khởi sắc hơn. Nhiều hộ đã có của ăn, của để, mua sắm được trang thiết bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt.
Theo lời giới thiệu của Thượng tá Lương Bá Thịnh, Chính trị viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi gà bản của gia đình ông Lò Văn Luyến, bản Nà Vèn (Mường Và). Trước đây, gia đình ông là một trong những hộ nghèo nhất bản. Anh Thịnh phấn khởi: Chúng tôi chọn gia đình ông Luyến làm điểm mô hình nuôi gà bản, sau đó các hộ khác học tập làm theo. Hiện bản có 30 hộ dân nuôi hàng nghìn con gà, đang trong giai đoạn phát triển tốt. Ngoài cung cấp giống, vốn, hằng tuần, chúng tôi kết hợp với lực lượng TTTTN ở Phân đội 1, đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, đội viên TTTTN phân đội 1 còn hướng dẫn bà con thực hiện mô hình nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, số lượng hàng trăm con, cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, đội viên TTTTN đang xây dựng thí điểm mô hình trồng nấm rơm tại đội, thành công sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, đồng thời nhân rộng ra toàn xã.
Đến Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 6, xã Mường Lèo, gặp các đội viên TTTTN Phân đội 2 đang hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa nước 2 vụ tại thửa ruộng gia đình bà Tòng Thị Khiên (bản Liềng) theo phương thức canh tác SRI. Đứng bên thửa ruộng xanh mơn mởn của gia đình, bà Khiên chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi và các hộ dân trong bản nghèo lắm. Từ ngày các chú bộ đội, các cháu tình nguyện về hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, gia đình tôi không thiếu ăn nữa. Năng suất lúa đạt 7,3 tấn/ha, tăng gần gấp 2 lần phương thức sản xuất truyền thống của bà con; hiện bản có 64 hộ áp dụng, làm theo mô hình này. Đại tá Chu Ngọc Khanh, Đoàn trưởng Đoàn B26 nói: Chúng tôi đã phân công lực lượng ở các đội và đội viên trí thức trẻ tình nguyện đến vận động bà con bỏ lối canh tác cũ. Đồng thời, chọn hộ gia đình làm điểm; tổ chức nhiều hội nghị đầu bờ và lồng ghép trong các cuộc họp bản, tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn giúp bà con. Với sự đóng góp tích cực của đội viên TTTTN bài toán thiếu đói của người dân đã và đang được giải quyết. Thực hiện mục tiêu Quốc gia về “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết, đội viên TTTTN đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với các tổ chức quần chúng bản Liềng, bản Mường Và, Nà Vèn của 2 xã Mường Lèo, Mường Và hướng dẫn 560 lượt người dân cách vệ sinh thôn bản; đào hố rác; xây nhà vệ sinh tự hoại và bán tự hoại; xây chuồng gia súc, gia cầm cách xa khu vực nhà ở. Đây là mô hình điểm tiêu chí về “môi trường” cho toàn huyện đạt hiệu quả cao.
Bằng những mô hình cụ thể, những đóng góp thiết thực của đội viên TTTTN Đoàn B26, đã góp phần không nhỏ giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo, xây dựng cuộc sống no ấm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!