Trước khi đặt chân đến mảnh đất Tường Phong (Phù Yên) tôi mường tượng về xã qua lời kể của nhiều người. Rằng nơi đây là xã di vén vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình có tất cả 6 bản đều thuộc diện vùng 3 đặc biệt khó khăn; bà con dân bản phát triển cá lồng trên lòng hồ hay chuyện về những người cán bộ xã đến trụ sở làm việc bằng thuyền... Những lý do đó thôi thúc tôi thực hiện một chuyến về Tường Phong, để được thấy màu xanh trong vắt của nước sông Đà mùa này và được tìm hiểu rõ cách mà bà con nơi đây khắc phục khó khăn về điều kiện tự nhiên để vươn lên thoát nghèo.
Các hộ dân bản Bèo, xã Tường Phong nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Đã nhờ Văn phòng UBND huyện gọi điện hẹn trước với xã. 7 giờ sáng, tôi cùng anh “hoa tiêu” là cán bộ địa chính xã lên đường. Có 2 hướng để về xã, nhưng hôm nay, chúng tôi đi đường bộ, qua địa phận “cổng trời” thuộc xã Huy Tường rồi qua Tường Tiến với lộ trình gần 30 km. Sau đợt lũ quét, nhiều đoạn bị sạt lở đến tận tâm đường, những ụ đất sau mưa lũ được san gạt sang hai bên đường cao như những quả núi, con xe số của chúng tôi từ từ men theo con đường mòn 1 bên là núi, 1 bên là suối lở la liệt đá. Vừa đi, anh Hoàng Văn Lưu, cán bộ địa chính xã vừa thông tin: Dọc con suối này, ngày trước là cánh đồng lúa bằng phẳng lắm, sau lũ đất đá trên đồi ùn xuống, phá hết rồi. 10 ha đất ruộng, giờ chỉ còn khôi phục được 4 ha, còn lại không biết đến bao giờ mới được như trước. Sau Tết, chủ yếu là những người trẻ đến xã chứng thực hồ sơ để xuống dưới xuôi làm công nhân trong các công ty mong có thu nhập ổn định.
Trò chuyện qua lại, chẳng mấy chốc lòng hồ sông Đà hiện ra trước mắt, mùa này nước trong vắt. Đi tiếp men theo dọc sông, chúng tôi đến được trụ sở UBND xã. Ông Đinh Thanh Lản, Chủ tịch UBND xã đã chờ tôi từ trước, rót chén trà nóng mời khách, ông chia sẻ: Xã có 6 bản gồm 3 dân tộc Dao, Mường, Thái sinh sống dải rác dọc theo 2 bờ hồ Thủy điện Hòa Bình, bà con chưa có cây chủ lực để sản xuất. Hơn nữa, đất canh tác lại có độ dốc lớn, bạc màu, chưa được cải tạo, tỷ lệ xói mòn hằng năm cao dẫn đến thâm canh năng suất thấp. Thu nhập bình quân đầu người chỉ có 12 triệu đồng/năm. Đến nay, xã mới đạt được 6 tiêu chí nông thôn mới...
Khó khăn là vậy, nhưng bà con nơi đây đã biết tận dụng diện tích mặt nước vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình để nuôi cá lồng. Được biết, toàn xã hiện đang phát triển 328 lồng cá với 112 hộ nuôi tập trung ở 3 bản: Bèo, Hạ Lương và bản Vặm. Chủ yếu nuôi các loại cá: Trắm, mè, vược, lăng, rô phi đơn tính. Như để chứng minh cho những nỗ lực vượt khó của bà con, đích thân ông Lản cùng cán bộ khuyến nông xã dẫn tôi đến thăm lồng cá của gia đình chị Lường Thị Tin, ở bản Bèo. Chị Tin chia sẻ: Khi mới bắt đầu triển khai mô hình, gia đình tôi cùng bà con trong bản được huyện quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, do vậy, các loại cá được nuôi đảm bảo đúng kỹ thuật. Với thức ăn chủ yếu là cỏ voi, lá chuối, sắn nên cá nuôi cho chất lượng thịt chắc và ngon. Tuy nhiên, đầu ra vẫn khó, do chưa có doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm. Sau 2 đến 3 năm khi cá đủ điều kiện xuất bán, phần lớn bán cho các hộ gia đình trong xã hoặc tìm mối tiêu thụ cho các nhà hàng trong huyện.
Tìm hiểu thêm được biết, để thoát nghèo bền vững, xã cũng đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của huyện, như: Dự án 1460 hỗ trợ người dân nhất là hộ nghèo về giống bò; dự án ghép mắt nhãn chín muộn và xoài. Đồng thời, xã cũng chủ động hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ. Nhờ thực hiện các giải pháp tích cực trong chăn nuôi nên tổng đàn gia súc của xã đến nay đạt gần 3.000 con, đàn gia cầm hơn 15.000 con... Trong xã đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, như mô hình nuôi bò gắn với trồng cỏ của gia đình anh: Cầm Văn Nhung, bản Hạ Lương; Hà Văn Hải, bản Vặm... Mỗi năm cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Quay lại trụ sở xã khi trời đã quá trưa, tôi được xã mời ở lại dùng cơm với món cá trắm đen vừa được bắt từ lồng về. Chia tay xã trở về trung tâm huyện. Con đường sáng nay đi thấy dài, giờ cảm tưởng đã ngắn hơn. Trên đường về, trong đầu tôi ngổn ngang suy nghĩ, vẫn biết, “thoát nghèo” là một bài toán khó tìm lời giải và chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của “mảnh đất vùng lòng hồ này còn khá gian nan. Nhưng tin rằng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt khó của chính quyền và nhân dân trong xã, mức sống của bà con sẽ dần được nâng cao và đích đến nông thôn mới của xã sẽ sớm được rút ngắn.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!