Quan tâm lưu giữ, bảo tồn di tích lịch sử đồn bản Mo

Châu Phù Hoa xưa, nay là huyện Phù Yên - nơi có những câu Khắp, lời Đang Mường say đắm lòng người, có dòng Đà Giang đã đi vào văn học. Nơi đây còn được biết đến khi mang trong mình những chứng tích lịch sử, trong đó có khu di tích Đồn bản Mo. Tại đây, đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh cùng ý chí quật cường của quân và dân Châu Phù Hoa... Trải qua 65 năm (năm 1952, quân ta đã giải phóng Phù Yên), cùng với tác động của thời gian và tác động của con người, những giá trị mang tính lịch sử của Đồn bản Mo đang dần bị mai một...

Lô cốt duy nhất của Đồn bản Mo còn khá nguyên vẹn, nằm sát nhà các hộ dân.

Đến Phù Yên, trực tiếp nghe kể những năm tháng hào hùng của bộ đội cùng quân và dân Châu Phù Hoa thời kỳ chống lại thực dân Pháp cùng tay sai bán nước không hề khó chút nào. Bởi thế hệ thời kỳ đó vẫn còn khá nhiều. Đặc biệt là những kỷ niệm, câu chuyện của những cựu chiến binh hay những người dân từng tham gia giúp bộ đội đánh đồn bản Mo, đuổi giặc Pháp và bọn tay sai vẫn được thế hệ sau này ở Phù Yên nhớ và kể khá chi tiết...

Đồn bản Mo, nơi mang trên mình những giá trị lịch sử đó giờ đang bị lấn chiếm, phá hỏng. Giờ đây, để tham quan khu di tích này, chỉ có thể nhìn thấy một số đoạn bức tường còn lại không nguyên vẹn bao quanh khu Đồn bản Mo. Duy chỉ còn một trong số những chiếc lô cốt chính nằm trong hệ thống Đồn bản Mo là còn gần như nguyên vẹn. Còn lại những chiếc lô cốt khác thì bị hỏng đến 80%, có chiếc ngoài bị phá hỏng còn bị đất đá lấp đi. Thậm chí, những đường hào, khu hầm chứa hàng của Đồn bản Mo còn bị lấp, trở thành ống thoát nước thải hay một số đoạn tường trở thành nơi chăn thả gia súc, gia cầm...

Theo chân cán bộ Phòng VHTT huyện Phù Yên tới thực tế Khu di tích. Để được ngắm nhìn trực tiếp khu vực Đồn bản Mo phải đi qua nhà ở của người dân. Được biết, do tốc độ phát triển dân cư trong nhiều năm cộng thêm việc nhìn nhận đánh giá về giá trị lịch sử của Đồn bản Mo chưa kịp thời nên việc phá bỏ Đồn bản Mo để xây dựng nhà cửa... là điều khó tránh khỏi. Bà Đinh Thị Ngân, Trưởng Phòng VHTT huyện Phù Yên, thông tin: Khu vực Đồn bản Mo nằm ở tiểu khu 3, thị trấn Phù Yên. Khu vực này trước đây có 16 hộ nay đã có trên 40 hộ dân nằm trong đất của Đồn bản Mo, hộ về đây sinh sống sớm nhất từ năm 1976. Cũng do nhu cầu của cuộc sống, các hộ đã phá bỏ và lấp đi tường bao quanh, các lô cốt và đường hào để dành đất làm nhà, sản xuất và chăn nuôi... Do vậy, việc cần làm trước mắt là cắm mốc giới cho di tích, đồng thời tập trung tuyên truyền vận động các hộ không làm ảnh hưởng thêm đến khu di tích, đảm bảo không bị phá hỏng. Thời gian tới, để giữ được nguyên hiện trạng như bây giờ cũng là một bài toán khó chứ chưa nói đến việc tôn tạo...

56 năm kể từ ngày Đồn bản Mo của giặc Pháp bị thất thủ, đánh dấu một trang sử hào hùng của quân và dân Châu Phù Hoa, ngày 4/3/2008, khu vực Đồn bản Mo mới chính thức được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Xét về thời gian thì đến thời điểm đó quả là muộn, bởi toàn bộ hiện trạng của Đồn bản Mo xưa đã không còn nguyện vẹn. Cùng với tác động một phần của thời gian thì sự không nguyên vẹn của nơi đây lại do chính sự thiếu ý thức, thiếu trân trọng giá trị lịch sử của một số người dân và việc quan tâm chưa đúng mức của nhiều ngành liên quan.

Nếu từ năm 2007 trở về trước, vì chưa được xếp hạng là khu di tích nên “khó” để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh có chế tài xử lý các hộ, cá nhân làm ảnh hưởng tới hiện trạng Đồn bản Mo thì nay không thể không quyết liệt khi tỉnh ta đã xếp hạng Đồn bản Mo là di tích lịch sử. Bởi lẽ, thời điểm được công nhận di tích cấp tỉnh, mới có khoảng 20 hộ dân sinh sống và từ đó đến nay, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, số hộ khu vực này đã tăng gấp đôi. 

Từ ngày khu di tích được xếp hạng đến nay, nhiều hộ dân khu vực di tích cũng chỉ biết nơi mình ở đã được xếp hạng là di tích lịch sử, còn về chủ trương di chuyển dân để tôn tạo như thế nào thì chưa nắm rõ. Thậm chí, một số hộ mới chỉ nghe thông tin là sẽ di dời dân để tôn tạo, còn cụ thể kế hoạch ra sao thì chưa thấy một văn bản nào thông báo. Do vậy, nhà cửa nhiều hộ đã xuống cấp muốn xây dựng, cải tạo để ở nhưng vì thông tin trên nên chỉ ở để chờ ngày di chuyển... Ông Đinh Văn Tuấn, một trong những hộ sống trong khu di tích, nói: Gia đình về ở từ năm 1976, khi đó có 7 hộ. Gia đình đã ở 2 gian nhà xây bằng gạch tổ ong, mỗi gian rộng chừng 40 m2, đến năm 1984, mới dựng nhà gỗ đang ở và nằm trên khu vực hầm của di tích. Nếu đã được xếp hạng di tích thì chúng tôi sẵn sàng di chuyển. Tuy nhiên, không biết việc di chuyển sẽ vào thời điểm nào, các hộ dân chúng tôi cần phải làm những gì.

Đồn bản Mo - nơi ghi dấu những giá trị lịch sử hào hùng của quân và dân Phù Yên thời kỳ chống thực dân Pháp, nếu tiếp tục bị “lãng quên” thì tương lai không xa, khu di tích lịch sử này sẽ chỉ còn được nhắc tên trên văn bản.

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới