Phù Yên: Đưa cơ giới vào đồng ruộng

Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng chuyên canh, huyện Phù Yên đã tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân bản Mo, xã Huy Tân (Phù Yên) đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Vào những ngày mùa vụ, đi thăm các cánh đồng của huyện Phù Yên, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân sử dụng những phương tiện sản xuất nông nghiệp như máy tuốt lúa, máy quạt thóc, máy cày bừa... Nếu như trước kia nông dân phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các công đoạn gặt, cầy bừa, huy động nguồn nhân lực lớn thì nay mọi công đoạn từ cầy xới đất, gặt đến tuốt lúa đều được rút ngắn thời gian, nông dân không phải mất nhiều công sức, đất đai được giải phóng nhanh chóng, thời gian phơi ải đất cũng lâu hơn...

Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của huyện Phù Yên chiếm khoảng 90%, trong đó, các xã có tỷ lệ sử dụng máy nông nghiệp cao như Huy Bắc, Huy Tân, Huy Hạ, Huy Thượng, Quang Huy... thậm chí, ở một số xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình canh tác khó khăn như Mường Cơi, Mường Do, Tân Lang, tỷ lệ hộ nông dân có máy cày bừa cầm tay cũng chiếm từ 50-70%. Việc cơ giới hóa trên địa bàn phần lớn tập trung ở các khâu làm đất và thu hoạch. Anh Đinh Văn Khá ở bản Na Xá, xã Quang Huy là hộ đã mạnh dạn đầu tư số tiền gần 15 triệu đồng để mua chiếc máy cày đa năng mini thương hiệu Honda để phục vụ sản xuất. Anh Khá chia sẻ: Ưu điểm của loại máy này là làm đất tốt, dễ xoay chuyển, trọng lượng nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển qua các thửa ruộng. Nếu như trước đây bừa 4.000m2 ruộng của gia đình bằng trâu phải mất cả tuần lễ thì nay với từng đó diện tích, tôi chỉ mất khoảng 2-3 ngày bừa đất là xong. Ngoài phục vụ sản xuất của gia đình, anh Khá còn dùng máy để đi cầy, bừa thuê cho các hộ dân trong bản.

 Do những ưu điểm vượt trội của các loại máy móc nông nghiệp hỗ trợ đắc lực trong sản xuất nên hiện nay ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có nhiều cửa hàng  kinh doanh, sửa chữa máy nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của các hộ dân. Mặt hàng này cũng rất đa dạng, đầy đủ chủng loại từ máy gặt tay, máy đập, tuốt lúa, máy cày tay, máy quạt thóc... tùy thuộc vào chất lượng, thương hiệu và công năng sử dụng sẽ có giá khác nhau, cụ thể như máy gặt lúa cầm tay có giá trên 1 triệu đồng, máy quạt thóc giá dao động trên dưới 1 triệu đồng, máy tuốt lúa trên 15 triệu đồng, máy cày cầm tay giá từ 13-15 triệu đồng; nhiều loại máy gặt, máy bừa hiện đại có giá lên đến cả trăm triệu đồng. Anh Trần Quốc Anh, chủ cửa hàng thiết bị, dụng cụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Hà Anh, thị trấn Phù Yên, cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các thiết bị sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân tăng cao, chúng tôi liên tục tìm hiểu thị trường và nhập về những mẫu máy móc mới, công năng đa dạng để phục vụ khách hàng, các hộ dân chủ yếu đầu tư các loại máy nông nghiệp phù hợp với địa hình như máy cày cầm tay, máy tuốt lúa có giá phải chăng.

Đồng chí Cầm Ngọc Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên cho biết: Những năm qua, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, triển khai các chương trình khuyến nông nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đó, số lượng và chủng loại máy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tăng lên nhiều trong mấy năm gần đây. Hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 200 máy cày, bừa các loại, hơn 40 máy tuốt lúa liên hoàn. Máy móc nông nghiệp đã hỗ trợ rất lớn, rút ngắn thời gian trong các khâu sản xuất, nhất là khâu làm đất, thu hoạch. Đây có thể xem là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại, góp phần hiệu quả vào năng suất lao động và nâng cao chất lượng cây trồng.

Vụ chiêm xuân năm 2016, tổng sản lượng lúa của huyện Phù Yên đạt trên 13.000 tấn, tăng 1.355 tấn so với năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm. Kết quả đó cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất là hướng đi giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần ổn định an ninh lương thực, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới