Khai thác tiềm năng, lợi thế của lòng hồ thủy điện Hòa Bình, những năm gần đây, ở Tân Phong cũng như nhiều xã ven lòng hồ khác của huyện Phù Yên, nghề nuôi cá lồng được phát triển, nhân rộng và được kỳ vọng sẽ đem lại sự đổi thay cho vùng đất này. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, mực nước có sự thay đổi bất thường, làm người nuôi cá lồng tại các xã không khỏi lo lắng trước nguy cơ mất trắng đàn cá nuôi.
Mực nước trên lòng hồ sông Đà xuống thấp gây khó khăn cho việc nuôi cá lồng.
Tiềm năng nuôi cá lồng trên lòng hồ
Từ ngã ba Gia Phù (Phù Yên), chúng tôi theo quốc lộ 43 về xã Tân Phong, huyện Phù Yên - một xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình đúng ngày chợ phiên. Không khí mua bán khá nhộn nhịp, hàng chục chiếc thuyền to, nhỏ neo đậu, cùng mấy chục gian hàng bày bán đủ loại hàng hóa cùng các sản phẩm đặc trưng của miền sông nước. Sản phẩm được bày bán nhiều nhất là cá; cá tươi, cá đã sơ chế, cá khô đủ loại... đặc biệt nhất là món cá chua sông Đà - đặc sản riêng có của vùng này. Trong câu chuyện với người dân nơi đây, được biết khoảng 3 năm trước, xã Tân Phong khuyến khích bà con khai thác diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình để nuôi cá lồng, bước đầu cho hiệu quả tích cực.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Đinh Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong chia sẻ: Tân Phong có hơn 350 ha mặt nước, trước đây bà con chủ yếu khai thác, đánh bắt tự nhiên. Qua tham quan ở một số địa bàn, nhận thấy mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà đạt hiệu quả, xã đã vận động người dân đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ người nuôi cá tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; gắn khai thác thủy sản với bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản…
Mô hình lồng cá “dã chiến” của gia đình anh Đinh Văn Thạch, bản Vạn, xã Tân Phong (Phù Yên).
Được biết, khoảng 6 năm về trước, bà con vùng này đã nuôi thử nghiệm cá lồng trên lòng hồ, nhưng do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm, không được bao tiêu sản phẩm... nên nhiều hộ bỏ lồng quay về với nghề đánh bắt tự nhiên; số ít khác thì nuôi với quy mô nhỏ. Tháng 12/2016, HTX Thủy sản Tân Phong được thành lập, liên kết các hộ gia đình nuôi cá lồng cùng sản xuất, kinh doanh; các thành viên HTX được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm từ khâu lựa chọn giống, cách chăm sóc, nuôi dưỡng, sơ chế, bảo quản, đóng gói sản phẩm để tiêu thụ tại các chợ, cửa hàng trong huyện hoặc ngoài các tỉnh, thành khác. Nhờ vậy, từ nuôi trồng nhỏ lẻ, Tân Phong đã triển khai nuôi cá lồng theo hướng tập trung, bảo đảm quy trình và chất lượng; toàn xã hiện có 21 hộ nuôi thủy sản, với 108 lồng cá, sản lượng khoảng 35 tấn cá/năm; cá nuôi phát triển tốt, nhiều loại như cá lăng, cá trắm... khi xuất bán, trọng lượng từ 3 - 4 kg/con, giá bán trung bình từ 70 - 80 nghìn đồng/kg, thậm chí trên 100 nghìn đồng/kg. Không chỉ vậy, xã còn hỗ trợ người dân trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cá sông Đà, đưa các sản phẩm cá tham gia phiên chợ, hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá. Thêm nữa, Tân Phong được coi là “cửa ngõ” giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa Phù Yên với các xã Quy Hướng (Mộc Châu), huyện Bắc Yên, hay huyện Đà Bắc (Hòa Bình)... sản phẩm cá đánh bắt tự nhiên hay nuôi trong lồng của xã được thương lái tập trung thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ, góp phần quảng bá thương hiệu cá Tân Phong, mở ra cơ hội giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Sản phẩm đặc sản cá chua sông Đà của xã Tân Phong.
Nỗi lo mùa nước rút
Niềm vui là vậy, nhưng nỗi lo cũng không ít. Do từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là thời điểm mưa lũ kéo dài, để đón lũ và đảm bảo an toàn khi vận hành, Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải tiến hành xả nước khiến mực nước rút nhanh. Tuy nhiên, những năm trước, mực nước trên lòng hồ vẫn duy trì ở mức an toàn cho những người nuôi cá lồng. Riêng năm nay, do thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, mực nước lòng hồ xuống thấp kỷ lục, nước trên sông đặc bùn đất, làm cá trong lồng nguy cơ bị ngạt cao..., nên người nuôi cá lồng ở Tân Phong đang phải tìm nhiều cách để cứu đàn cá. Để hiểu rõ thêm nỗi lo của người nuôi cá lồng ở Tân Phong, chúng tôi tìm gặp anh Đinh Văn Thạch (bản Vạn), anh bảo, tham gia HTX Thủy sản Tân Phong từ tháng 8/2018; gia đình anh đầu tư 15 triệu đồng/lồng để mua lưới, phao, đồ nghề nuôi, thả 1 tạ cá giống; mỗi lồng lại được Nhà nước hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Dự tính, tháng 8 năm nay sẽ thu hoạch cá và xuất bán. Nhưng mới đến đầu tháng 5, nước xuống quá nhanh và nhiều bùn đất, gia đình anh và các hộ nuôi cá lồng trong bản đã phải rất vất vả để bảo vệ đàn cá nuôi khỏi nguy cơ mất trắng.
Anh Thạch còn dẫn chúng tôi tới xem lồng “dã chiến” để bảo vệ đàn cá của gia đình. Gần 30 phút đi trên thuyền máy, chúng tôi đến điểm “sơ tán” các lồng cá. Nhìn những lồng cá chìm trong dòng nước đục, anh Thạch thở dài: Trước đây, tôi chỉ đặt lồng ở gần nhà để tiện chăm sóc, quản lý, nhưng nước rút quá sâu, cá nuôi đứng trước nguy cơ bị ngạt khí, tôi phải tìm khu vực nước trong hơn để di chuyển lồng. Ngày nào cũng vậy, cứ phải ba lần bảy lượt đi thuyền ra điểm đặt lồng mới để cho cá ăn, canh chừng, kiểm tra mực nước. Trường hợp nước rút bất ngờ, phải dùng máy bơm, sục khí tại chỗ. Nhờ kịp thời xử lý, nhà tôi chưa bị thiệt hại lớn. Dù vậy, tôi rất lo, nếu mực nước tiếp tục xuống thấp, đàn cá sẽ bị chết vì thiếu ô-xy.
Rời gia đình anh Thạch, chúng tôi tiếp tục đến bản Mùng, nơi có hàng chục lồng cá hằng ngày phải “di cư”. Đến vị trí đặt lồng “dã chiến” của gia đình ông Đinh Văn Tường, chúng tôi thấy hai ông bà đang vệ sinh lồng cá trên sông. Dưới cái nắng nóng như đun sôi mặt hồ, lưng áo ông Tường ướt đẫm, mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, ông ngậm ngùi: Ngày nước lũ từ đầu nguồn đổ về, cát, bùn ngập lồng cá, nhà tôi đứng trước nguy cơ mất trắng hơn 500 con cá trắm cỏ trong ba lồng, mỗi con hiện chừng 7 - 8 lạng. Để cứu cá, cả nhà huy động người đào cát, vét bùn dưới đáy lồng để chuyển lồng đi nơi khác, tránh để lồng bị mắc cạn. Nhờ kịp thời di chuyển lồng nên đàn cá được an toàn. Tôi nghĩ, mực nước còn tiếp tục giảm nên chúng tôi còn khó khăn khi di chuyển lồng đến nơi có nước; hơn nữa, nhà tôi chỉ có một chiếc thuyền dùng đánh bắt cá trên lòng hồ, chẳng dám đi xa, nhỡ có chuyện không cứu được cá.
Còn ông Đinh Văn Sáu, bản Vạn, thì buồn rầu: Nhà tôi bị chết hơn 7 tạ cá lăng, 2/8 lồng cá bị ngập trong cát, bùn vì không kịp “trở tay” lúc nước rút, thiệt hại gần 200 triệu đồng đấy! Không chỉ gia đình ông Sáu, chúng tôi biết hầu hết các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tại các bản Vạn, In, Liếm, Mùng.
Người nuôi cá bị thiệt hại do nước rút, cũng là nỗi niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Tân Phong. Nói về vấn đề này, ông Đinh Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã nói: Xã đã khuyến cáo bà con di chuyển cá vào những lồng “dã chiến”, đưa tới khu vực có nước, vì trên bề mặt sông không phải tất cả đều cạn. Hướng dẫn bà con chuyển lồng vào khu giáp ranh xã Tường Phong, đây là khu vực nước trong hơn, do có nguồn nước từ trong suối Tấc chảy ra... Nếu cá đã có thể xuất bán thì khẩn trương thu hoạch và bán ra thị trường; cá giống, cá nhỏ chưa bán được, tập trung sục tăng cường lượng ô-xy trong lồng cá; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, máy bơm tại chỗ để ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, khuyến khích bà con điều chỉnh lượng nuôi phù hợp, giảm mật độ nuôi vào thời điểm bất lợi về thời tiết.
Rời Tân Phong, chúng tôi mang theo những trăn trở, lo lắng của bà con nuôi cá lồng trên vùng hồ rộng lớn này và hình ảnh vất vả của người dân đang ngày đêm lo tìm cách bảo vệ đàn cá nuôi. Song, mọi biện pháp ứng phó chỉ là tạm thời, rất mong các cấp, các ngành chức năng cần có giải pháp điều tiết nước hợp lý, tránh tình trạng để mực nước lòng hồ xuống quá thấp, hoặc dâng, hạ bất thường, để bà con yên tâm sản xuất, thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!