Ông Lừ Ngọc Khánh, bản Mo 4, xã Quang Huy (Phù Yên) là gương điển hình trong phát triển kinh tế bằng nghề đan mâm mây. Mặc dù chỉ là nghề phụ, nhưng đan mâm mây đã đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm cho gia đình ông.
Ông Lừ Ngọc Khánh bên chiếc mâm mây dần hoàn thiện.
Gắn bó với nghề đã gần 10 năm nay, dù đã bước qua tuổi ngũ tuần, đôi bàn tay ông vẫn thoăn thoắt khi cầm dao chuốt mây, ông Khánh chia sẻ: Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi dựa vào hơn 1.000m2 ruộng canh tác 2 vụ. Sau các vụ sản xuất, thời gian nhàn rỗi nhiều nhưng không biết làm gì trong khi đời sống còn nhiều khó khăn. Khi huyện tổ chức lớp dạy nghề “thủ công mỹ nghệ đan lát mây tre”, nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi sau mỗi mùa vụ, cải thiện đời sống nhân dân, tôi đã đăng kí tham gia học. Lớp học thí điểm đầu tiên được mở trong 6 tháng, với 45 học viên, chủ yếu là bà con trong huyện. Chúng tôi được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày và trang bị những kỹ năng đan lát mây tre cơ bản nhất, trên cơ sở thực tập trực tiếp tạo ra sản phẩm là những chiếc rỏ mây rộng 10cm, cao 5cm và dài 22cm. Tôi còn tìm đến gia đình ông Si Văn Hoan, người cùng bản để học hỏi thêm kinh nghiệm đan mâm mây. Sau vài tháng học nghề, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng đan mây tôi đã nhận đan những chiếc mâm mây tại nhà. Vậy là, nghề đan mâm mây đã giúp gia đình tôi từng bước thoát cảnh nghèo đói, ăn đong trong những ngày “giáp hạt”.
Trước đây, khi cây mây rừng còn dễ tìm, ông Khánh vào rừng ở Suối Tọ (Quang Huy) để chọn những cây mây nếp có dây già, thường leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Bây giờ, những cây mây trong rừng không mọc kịp, nguyên liệu dần cạn và không đáp ứng yêu cầu chất lượng, ông về làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để mua mây với giá 80 nghìn đồng/kg, mỗi đợt lấy từ 7-8 triệu đồng và đan trong vòng 2 tháng.
Để đan được một chiếc mâm mây đòi hỏi người đan phải kiên trì, chịu khó và đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ. Ban đầu khi chọn mua mây phải xông chín, hơi mềm thì mới dễ đan. Mây mang về để từng đoạn dài, gác dọc trên xà nhà, khi cần mới lấy xuống, cắt ngắn theo từng kích thước cần thiết, đem nhúng nước, chẻ ra rồi sử dụng. Đan mâm mây bằng kỹ thuật xâu xiên, đây là kỹ thuật phức tạp và ít người làm được. Khi mâm hoàn thiện, ông sơn màu cánh gián vừa để tạo màu đẹp cho sản phẩm, vừa tăng độ bền vì không bị mối mọt, ẩm mốc. Trung bình đan từ 4-6 ngày sẽ hoàn thiện 1 chiếc mâm mây, với đường kính từ 80cm-1m. Giá thành sản phẩm mâm mây bán ra trên thị trường tương đối cao: Mâm mây to có giá 2,5 triệu đồng/chiếc, mâm mây nhỏ có giá 1,5 triệu đồng/chiếc. Vì làm theo đơn đặt hàng nên có thời điểm, ông đan cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho khách, mâm mây làm ra đảm bảo đẹp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và được đánh giá cao về chất lượng.
Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Lừ Ngọc Khánh thu nhập trên 100 triệu đồng từ nghề đan mâm mây. Nhận thấy đây là hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân trong bản, trong xã đã đến gia đình ông Khánh học nghề, với mong muốn thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Lò Thái (Phù Yên)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!