“Năm 1964, thực hiện chủ trương của Trung ương về vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, 36 thanh niên quê nhãn Hưng Yên, trong đó có ông bà chúng tôi đã xung phong ngược lên Tây Bắc, hăng hái khai hoang núi đồi, xây dựng các hợp tác xã để làm kinh tế mới”. Đó là chia sẻ của Bí thư Chi bộ bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên) Nguyễn Văn Cường với chúng tôi.
Mô hình nuôi lợn nái của nhân dân bản Nghĩa Hưng.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông, ông Cường chia sẻ: Cả bản hiện có 120 hộ, 444 nhân khẩu. Nghe thế hệ cha ông kể lại, những ngày đầu trên nơi ở mới, bà con ai cũng ái ngại bởi những vạt đồi đầy cây dại, lắm muỗi vắt, không điện, đường, trường, trạm. Thế nhưng với niềm tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, bà con trong bản cùng nhau đoàn kết, lao động quên mình để đánh thức tiềm năng của đất, biến vùng núi hoang vu trở thành vùng kinh tế mới trù phú. Bà con đã khai hoang, mở rộng trồng 100 ha ngô, 10 ha rau màu và quản lý, bảo vệ hơn 40 ha rừng.
Tìm hiểu thêm được biết, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả có múi và phát triển các mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao mà bản Nghĩa Hưng được chọn là mô hình điểm để tuyên truyền nhân rộng trong địa bàn xã và phạm vi toàn huyện. Hiện, diện tích cây ăn quả có múi của bản hơn 50 ha, trong đó có 20 ha đang cho quả. Cùng với đó, bản cũng tập trung chăm sóc hơn 1.000 con gia súc và 17.000 con gia cầm. Nhờ tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế mà thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8 %.
Đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Duy Khanh, là điển hình tiêu biểu vừa được tuyên dương tại Hội nghị gặp mặt các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được tổ chức vào tháng 5 vừa qua. Ông Khanh phấn khởi nói: Năm 2013, gia đình tôi quyết định chuyển đổi 2 ha đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng hơn 1.600 gốc cam. Đồng vốn ít ỏi sẵn có của gia đình không đủ để đầu tư vào sản xuất, tôi đã mạnh dạn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phù Yên và đi tham quan học tập một số mô hình trồng cam thành công trên địa bàn huyện. Sau 2 năm, gia đình tôi thu bói được 5 tấn quả, đến năm 2017, thu hoạch được 15 tấn quả, thu về 400 triệu đồng. Nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cuối năm 2017, tôi trồng thêm 1.500 gốc cam đường canh, cam Vinh, quýt ngọt. Cứ đến vụ cam chín rộ là thương lái các nơi đến tận vườn thu mua. Ngoài ra, tôi còn chở xuống chợ huyện bán, thu nhập ổn định, đời sống của gia đình vì thế mà khấm khá.
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong năm 2017, bản đã làm thêm được 418 m đường giao thông nông thôn tạo cảnh quan sạch đẹp và thuận lợi cho bà con giao thương hàng hóa. Các phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được duy trì và phát triển rộng khắp. Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, học hết cấp học và được khuyến khích học lên bậc đại học. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được thực hiện tốt. Công tác vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải được tổ chức đều đặn, cả bản có 18 điểm thu gom rác thải, với 87 hộ tham gia thu dọn. An ninh trật tự được giữ vững, bản có 78% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
54 năm kể từ ngày lên Phù Yên làm kinh tế mới, những người con đất nhãn lồng đã trụ lại, an cư lạc nghiệp, làm cho mảnh đất Nghĩa Hưng ngày càng trù phú. Những ngôi nhà cao tầng xây san sát, vườn nhà ai cũng có vài chục gốc cam, bưởi diễn hay nương trồng ngô, trồng cỏ. Chuồng trại nhà nào cũng có dăm bảy con trâu, bò, vài chục con gà, vịt, ao thả đầy cá. Nghĩa Hưng ngày càng khởi sắc.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!