Đổi thay bên chân đèo Lũng Lô

Thăm lại đèo Lũng Lô - nơi “anh hò, chị hát” trên con đường hành quân lên chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, chúng tôi được nghe kể về những người con quê Hưng Yên lên khai hoang, xây dựng kinh tế ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên). Bằng sức trẻ, các thanh niên xung phong đã biến những vùng đồi hoang hóa thành vùng kinh tế mới đầy tiềm năng, góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu mạnh.

 

Các hộ dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên) trồng cây ăn quả trên đất dốc.

 

Thăm vùng trồng cây ăn quả trĩu cành, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Cơi Nguyễn Hồng Dư kể về những ngày đầu gian khổ lên khai hoang: Đầu năm 1964, tôi cùng 23 thanh niên xung phong thuộc xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang (Hưng Yên) chung một chuyến xe lên huyện Phù Yên xây dựng kinh tế mới. Tháng 7/1964, chúng tôi được huyện giao khu đất có chiều dài 2 cây số (từ Km19 đến Km21), chiều rộng 1 cây số, dưới chân đèo Lũng Lô, dọc theo trục đường Quốc lộ 13A, nay là Quốc lộ 37. Từ đó, HTX khai hoang Nghĩa Hưng lấy tên chữ cái đầu của “nơi đến” Nghĩa Lộ và “nơi đi” Hưng Yên đã có tên trên bản đồ hành chính xã Mường Cơi.

Ngày ấy, những vạt đồi đầy cây dại, lắm sên vắt, không điện, không đường, không trường, không trạm. Bà con lại phải tập quen dần với thời tiết khắc nghiệt của miền núi. Hằng ngày, ra khỏi nhà là leo đèo, lội suối, tối đến đốt lửa thay dầu làm đèn. Song, tất cả cán bộ, xã viên ngày ấy đều nghe theo tiếng gọi của Đảng, quyết tâm xây dựng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Trải qua gần 55 năm xây dựng và phát triển, từ 24 đội viên thanh niên đến nay bản đã có 121 hộ, hơn 450 nhân khẩu. Nhờ nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, đời sống của bà con dần nâng lên, nhiều tuyến đường nội bản được bê tông hóa, nhà văn hóa bản xây dựng khang trang, các hộ đều sử dụng điện lưới quốc gia. Bà con trong bản đoàn kết thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng đa ngành nghề, như: Dịch vụ buôn bán, kinh doanh vận tải, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả có múi (chanh, cam, quýt), trồng ngô, trồng rừng. Trong bản ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện, các hộ dân trong bản thâm canh 120 ha ngô, 3,5 ha chè, 60 ha cây có múi; trồng, chăm sóc 100 ha rừng xoan, mỡ; khoanh nuôi, bảo vệ hơn 40 ha rừng phòng hộ; phát triển đàn vật nuôi với 1.000 con gia súc, 17.000 con gia cầm. Thu nhập bình quân đầu người hơn 27 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8%.

Anh Nguyễn Văn Thụ, Trưởng bản Nghĩa Hưng, thông tin: Kinh tế phát triển, 100% hộ dân có xe máy, tivi, nhiều hộ có nhà xây 2 - 3 tầng, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, nhiều người thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và công tác trong các cơ quan Nhà nước. Nhiều năm liền, Nghĩa Hưng được công nhận là bản văn hóa. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm”, bà con tự nguyện hiến đất làm đường, tích cực đóng góp kinh phí, ngày công để mở mới, cứng hóa 3 tuyến đường nội bản và đường đi khu sản xuất, tổng chiều dài hơn 400 m.

Theo con đường bê tông nhỏ, chúng tôi lên đồi trồng cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Đức Cường. Lưng áo đẫm mồ hôi, tắt chiếc máy cắt cỏ, anh Cường chia sẻ: Năm 2015, tôi bắt tay vào trồng gần 1.000 gốc cam, bưởi da xanh, bưởi diễn. Thay vì xới cỏ thường xuyên, tôi dùng máy cắt cỏ để hạn chế xói mòn đất. Cùng với trồng cây ăn quả, tôi còn trồng thêm 2,5 ha xoan, mỡ; nuôi gối đàn hơn 200 con lợn; mở cửa hàng sửa chữa xe máy, kinh doanh đồ điện, đại lý cấp 1 thức ăn chăn nuôi, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, trừ chi phí mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thụ tìm hướng làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp, gồm: Dịch vụ vận tải; thu mua sơ chế nông sản ngô, sắn; trồng rừng; trồng cây ăn quả, mỗi năm thu về hơn 500 triệu đồng. Anh Thụ bảo: Hiện, gia đình tôi trồng hơn 1 ha cây ăn quả. Tôi chọn trồng đa dạng các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi để mùa nào cũng có quả bán. Cuối tháng 9 vừa rồi, gia đình tôi cùng 10 thành viên trong bản thành lập HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng với diện tích trên 20 ha, trồng theo quy trình VietGAP. Với hướng đi mới này, hy vọng sẽ giúp gia đình tôi cũng như các hộ tham gia HTX có sự phát triển bền vững và sản phẩm làm ra sẽ có thị trường ổn định.

55 năm trôi qua, trong kí ức của những người miền xuôi đầu tiên lên khai hoang, làm kinh tế trên mảnh đất Nghĩa Hưng, chắc hẳn không ai quên được những tháng ngày gian khó, vất vả ban đầu. Tiếp nối truyền thống, các thế hệ con cháu sau này tiếp tục gắn bó cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới