Chuyện về người “lính già”

Theo giới thiệu của Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện, chúng tôi về xã Mường Cơi gặp người “lính già” đã trải qua quãng thời gian 6 năm trong quân ngũ và hơn 30 năm công tác tại địa phương. Ở tuổi xế chiều, những tưởng ông sẽ an nhàn hưởng tuổi già, nhưng không, người lính ấy vẫn hăng hái làm kinh tế, nhiệt tình tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới và vận động bà con thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Người mà chúng tôi nhắc đến là ông Trịnh Công Thức, bản Tường Ban, xã Mường Cơi (Phù Yên).

 

Mô hình nuôi hươu sao của gia đình ông Trịnh Công Thức.

Từ trụ sở UBND xã Mường Cơi, đi 5 km nữa đến bản Tường Ban - là bản của bà con Hưng Yên lên khai hoang xây dựng kinh tế mới những năm 1966. Ngôi nhà của gia đình ông Thức được làm hoàn toàn bằng gỗ, có sân rộng, khuôn viên thoáng mát với ao cá và cây quả xanh tốt. Hồ hởi đón khách vào nhà, ông Thức mở toang cửa chính đón gió mát, xua tan cái nóng oi ả đầu hè.

Bên ấm trà nóng trong phòng khách khang trang, từng chi tiết sống động trong câu chuyện kể về cuộc đời ông, từ thời trai trẻ với những trận đánh cùng đồng đội, đến khi phục viên về công tác tại địa phương lần lượt được ông Thức “lật dở”. Năm 1970, ông nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 41 của Quân khu Tây Bắc, hoạt động ở chiến trường Lào. Đầu năm 1971, Trung đội ông được cử làm công tác địch hậu (vừa chống càn, vừa bảo vệ dân) tại huyện Mường Làn, phía tây nam cố đô Luông Pha Băng trong vòng 6 tháng. Hết 6 tháng, lương thực, đạn dược gần hết, Trung đội được bà con các bản Lào Thâng và Lào Xủm cưu mang. Nhớ về kỷ niệm đó, ông Thức bồi hồi: Do đã cạn lương thực, đạn dược, nên Quân khu ra chỉ thị phải tập kích địch trước khi chúng hành động. Khi đó, tôi được tin tưởng giao cho khẩu B40 cùng đồng đội hành quân bộ khoảng 4-5 giờ chiều thì đến nơi. Hơn 7 giờ tối, quân ta tập kết vào gần đồn địch, nhưng thấy có cả nhân dân, nên thời gian đánh phải lùi lại. Chờ hơn 3 tiếng đồng hồ, dân về hết, chúng tôi được lệnh nổ súng vào sở chỉ huy của địch. Bị bất ngờ, địch không kịp chống trả và bỏ chạy ra phía bờ sông Mê Kông...

Rời quân ngũ, giữ nguyên chất lính đặc công gan góc, “dám nghĩ, dám làm”, năm 1992, ông bắt đầu mở xưởng sơ chế sắn, dong riềng. Ông nói: Thời kỳ đó, có một vài đồng đội cũ ở huyện Đan Phượng (Hà Tây trước đây), thỉnh thoảng gặp nhau. Tôi thấy người ta có mô hình hay, nên học tập. Khi đó, máy móc đơn giản lắm, vì chưa có điện nên tôi dùng toàn bộ bằng máy nổ và thuê khoảng 40 nhân công. Ngày ấy, bà con trồng dong nhiều, nên xưởng chủ yếu thu mua nguyên liệu tại chỗ. Đến năm 2004, khi đã có điện lưới, tôi mở xưởng tại nhà và kết hợp đầu tư giống dong riềng cho bà con trồng. Hiện nay, xưởng đang có 5 bể chứa tinh bột, mỗi bể khoảng 50 tấn, tạo việc làm cho 16 nhân công theo mùa vụ, thu nhập 250 nghìn đồng/người/ngày.

Với suy nghĩ còn khỏe là còn làm, nên ông quyết định cùng vợ và các con khai phá vùng đất khô cằn sỏi đá rộng 5 ha để gây dựng trang trại tổng hợp nuôi hươu, lợn thịt và trồng 50 gốc bưởi diễn, 3.000 m² cỏ voi phục vụ cho chăn nuôi. Tận dụng nguồn nước dồi dào, gia đình ông còn nuôi thêm gia cầm, đào 700 m² ao thả cá trắm, mè. Nhờ học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ trong sách báo và vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nên mô hình chăn nuôi của ông từng bước đem lại thu nhập ổn định. Hiện, gia đình ông có 18 con hươu, 30 con lợn, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

52 năm đã trôi qua, kể từ ngày ông Thức bước chân lên mảnh đất Mường Cơi, được giao làm kế toán cho hợp tác xã, cho đến khi nhập ngũ, làm anh bộ đội, rồi phục viên trở về địa phương, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội Cựu chiến binh, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã cho đến khi nghỉ hưu, dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng luôn tận tụy với công việc, gần gũi với bà con, tận tình hướng dẫn các hộ nghèo về cách làm ăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Cả bản Tường Ban hiện có nhiều hộ khá, giàu, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” ở nơi đây ngày càng đi vào chiều sâu. Trên địa bàn đã nhiều năm không có người nghiện ma túy, không xảy ra hiện tượng trộm cắp, tệ nạn xã hội. Bản nhiều năm liền được công nhận danh hiệu bản văn hóa.

Nhắc đến ông Trịnh Công Thức, người dân nơi đây vẫn luôn dành cho ông sự kính trọng đặc biệt, bởi ông không chỉ “nói được” mà còn “làm được”. Dù “tóc bạc da mồi”, ông Thức vẫn ngày ngày miệt mài với công việc. Nhận xét về người cán bộ hưu trí này, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Cơi Đinh Thị Thạch nhấn mạnh: Ông Thức là cá nhân điển hình trong phong trào “Tuổi cao gương sáng”. Không chỉ là người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi, ông còn là nòng cốt trong các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Ông xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho con cháu học tập và noi theo.

Chia tay gia đình khi mặt trời đã đứng bóng, vẫn với tính cách vui vẻ của người lính, ông mời chúng tôi ở lại dùng bữa với lý do cá đã sẵn trong ao, gà thả đồi đã bắt từ sáng. Nhưng do bận công việc nên chúng tôi đành khất với ông, hẹn một dịp khác thật gần, chúng tôi lại về thăm ông để được nghe những câu chuyện về tháng năm thanh xuân “rực lửa” và về quá trình nỗ lực trên trận tuyến mới: Trận chiến thoát nghèo để xây dựng gia đình ấm no, quê hương giàu mạnh.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới